Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm nay lên tới 2,74%, tức gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng tín dụng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Cho vay tăng, liệu lãi suất huy động có tăng để đảm bảo cân đối cung cầu vốn? Áp lực trên thực tế là có nhưng không quá lớn.
SCB là ngân hàng mới nhất có động thái tăng lãi suất huy động dẫn đầu thị trường ở hầu hết các kỳ hạn. Trước đó, vào đầu tuần, Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất từ 0,4 - 0,5%/năm.
Để huy động dòng tiền gửi nhàn rỗi sau Tết, hàng loạt ngân hàng đã công bố biểu lãi suất tiền gửi mới mức tăng từ 0,1 - 0,8%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 6 tháng. Bên cạnh nhu cầu cân đối lại nguồn vốn của chính các ngân hàng, áp lực từ thị trường là có.
Lãi suất huy động khó có thể tăng cao. Ảnh minh họa.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 1, tăng trưởng tín dụng ước đạt 1%, trong khi huy động chỉ tăng 0,5%. Đây cũng là thực tế vài năm gần đây không chỉ ở thành phố.
Nhóm phân tích CTCK Rồng Việt đánh giá, chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động có thể tạo áp lực lên các ngân hàng trong nửa cuối năm nay. Do vậy, để cân đối bài toán kinh doanh, thực hiện mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm theo chủ trương chung, các ngân hàng buộc phải tiếp tục giảm chi phí.
Kết quả kinh doanh các ngân hàng cũng cho thấy, không phải ngân hàng nào lãi suất cao cũng đều có nguồn huy động dồi dào. Trên thực tế, bên cạnh nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng cổ phần quy mô lớn đều duy trì lãi suất khá thấp.
Nhiều chuyên gia đánh giá, các khách hàng hiện nay có nhu cầu thanh toán không tiếp xúc rất lớn nên ngân hàng nào tập trung vào công nghệ và dịch vụ, sẽ hút được lượng lớn khách hàng, mở rộng nguồn tiền gửi không kỳ hạn CASA với giá vốn rất thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!