Mới đây, một người đàn ông tại Hà Nội đã vô cùng hoang mang, khi ra ngân hàng àm thủ tục gia hạn thẻ tín dụng, bất ngờ phía ngân hàng thông báo, trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) anh đang có một khoản nợ xấu tại một công ty tài chính. Khoản nợ xấu này đã bị lưu giữ trên CIC từ năm 2019 nhưng anh không biết.
Theo thông tin từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) thì từ năm 2015 đến năm 2020, CIC đã xử lý 456 đơn thư khiếu nại, riêng năm 2020 là 165 đơn. Trong đó, riêng về nợ xấu chiếm khoảng 60%. Giả mạo CMND là 55 trường hợp. Các trường hợp giả mạo CMND chủ yếu là các hồ sơ vay qua app điện tử của các công ty tài chính, cho vay trả góp.
CIC cũng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến cho một số trường hợp bị dính "nợ xấu" mà không hề hay biết.
1. Khách hàng bị các đối tượng làm giả hồ sơ, "mạo danh" để qua mặt hệ thống tín dụng.
2. Cho người quen mượn giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu. Hoặc đánh rơi.
3. Các đối tượng xấu sử dụng thủ đoạn tinh vi lừa người dân cung cấp giấy tờ tuỳ thân, đưa thẻ tín dụng hoặc cung cấp mã OTP.
Công nghệ 4.0 giúp cho thủ tục vay vốn ngày càng nhanh gọn hơn, nhưng cũng có mặt trái. Lợi dụng quy trình vay online đơn giản qua ứng dụng điện thoại của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, khi chỉ cần nhập thông tin cá nhân, cung cấp giấy tờ gồm căn cước công dân, giấy đăng ký xe…là có thể vay tiền. Gần đây, hình thức nhận làm giấy tờ giả xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội. Đây chính là cách các đối tượng lừa đảo để chiếm dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!