Sau một thời gian xảy ra nghẽn chuỗi cung ứng, nhân công khan hiếm và xăng dầu tăng giá, nhiều người dân Mỹ đã bắt đầu ngấm hai từ "lạm phát".
Ở New York suốt nhiều thập kỷ qua tồn tại một nguyên lý mang tên "bánh pizza". Đó là muốn biết tình hình kinh tế thế nào, chỉ cần mua 1 miếng bánh pizza là hiểu. Bởi trong 40 năm qua, 1 miếng bánh pizza luôn có giá bằng 1 vé đi tàu điện ngầm, nhưng 2 loại giá này đã không còn song hành.
Trang Bloomberg viết: "Giá bánh pizza đã vượt vé tàu điện ngầm". Theo bài báo, giá những miếng bánh pizza đã tăng lên trên 3 USD. Trong khi đó vé tàu điện ngầm vẫn ở mức 2,75 USD.
Bài báo giải thích, trong năm vừa qua, lạm phát đã đặt áp lực rất lớn lên những cửa hàng pizza. Từ giá nguyên liệu, xăng, nhân công đều tăng. Trong khi đó, tàu điện và cơ sở hạ tầng giao thông được chính phủ trợ cấp nên vẫn có thể bình ổn.
Khách hàng mua bánh pizza tại một nhà hàng ở New York. (Ảnh: Bloomberg)
Trang tin của Đài phát thanh Quốc gia Mỹ tổng kết, giá các loại thực phẩm đang tăng ở mức chưa từng thấy kể từ năm 1981. Theo báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Kinh tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ, thực phẩm được dự báo tăng giá trung bình từ 4,5 - 5,5%. Nếu mua đồ ăn mang về hay ăn ở nhà hàng, chi phí này sẽ tăng thêm khoảng 1%. Hiện tượng này sẽ kéo dài hết năm nay.
Giá thực phẩm trở thành mối quan tâm hàng đầu những ngày này tại Mỹ bởi trước đây, nó là mặt hàng thiết yếu, nên thường rẻ hơn cả. Nếu thực phẩm tăng từ từ và tăng một mình thì mọi chuyện đã khác.
CNBC thống kê 10 loại hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn trong năm nay, có tới 6 hạng mục thuộc về chi tiêu thường xuyên như xăng, điện và thực phẩm. Trong đó, đầu bảng là xăng đã tăng tới hơn 58%.
Trang CNBC viết: "Việc đi đến cửa hàng thực phẩm cũng bắt đầu ngốn hết ngân quỹ". Bởi ngoài tiền mua xăng tăng, giờ đồ uống của Coca, Pepsi cũng đang tăng giá vì chuỗi cung ứng và nhân công lao động.
Thời báo New York tiến hành khảo sát 1.900 người dân và rất nhiều người phàn nàn về tăng giá. Những mặt hàng bị đề cập nhiều như: xăng, sữa, thịt, trứng, hoa quả…
Trước đây, thực phẩm chỉ chiếm tới 13% chi phí của các hộ gia đình, nhưng thực phẩm lần này lại được nhắc tới bởi 90% số người được hỏi. Với nhiều gia đình khó khăn, "thật tệ khi phải tự hỏi nên tiêu tiền cho thực phẩm hay để dành trả các hóa đơn", "tôi bỏ bữa vài ngày trong tháng hoặc không ăn gì" hay "nhiều nhà chúng tôi phải chọn thực phẩm kém chất lượng vì chúng rẻ hơn".
Các nhà kinh tế học cho rằng thực phẩm được mang ra đong đếm và liên tưởng nhanh nhất tới lạm phát là do tần suất mua của người tiêu dùng, bởi người ta sẽ khó nhớ giá 1 chiếc tủ lạnh, so với giá của những thứ thường xuyên được tích bên trong nó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!