Lạm phát "cứng đầu" khiến FED "đau đầu"

VTV Digital-Thứ tư, ngày 15/02/2023 13:32 GMT+7

VTV.vn - 2% là mục tiêu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hướng tới để dừng tăng lãi suất, thậm chí là hạ. Tuy nhiên với xu hướng lạm phát hiện nay, tương lai đó vẫn còn xa.

Chứng khoán Mỹ biến động mạnh

Đêm qua (14/2) theo giờ Việt Nam, chứng khoán phố Wall đã chứng kiến phiên giao dịch với nhiều biến động khó lường. Diễn biến này xảy ra ngay sau khi báo cáo lạm phát tháng 1 của Mỹ được công bố.

Sau khi lao dốc hơn 400 điểm ở đầu phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã dần phục hồi và đóng cửa với mức giảm khoảng 150 điểm, tương đương gần 0,5%. S&P 500 cũng kết thúc với mức giảm nhẹ, trong khi Nasdaq đã đảo ngược được đà giảm và chốt phiên trong sắc xanh, với lực đẩy từ các cổ phiếu công nghệ lớn như Tesla và Nvidia.

Phiên giao dịch này cũng đã chứng kiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi lên trở lại, với trái phiếu kỳ hạn 6 tháng lần đầu vượt ngưỡng 5% trong vòng hơn 15 năm qua.

"Thị trường vẫn kỳ vọng vào khả năng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, tuy nhiên các con số vừa rồi cho thấy rằng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn có thể bước qua được vấn đề này. Điều này giải thích cho việc lợi suất cũng đi lên. Bài toán khó khăn nhất trong thời gian với các nhà đầu tư là khả năng có thể rơi vào đình lạm - kinh tế đình trệ trong khi lạm phát dai dẳng", ông Mark Neuman, Nhà sáng lập quỹ đầu tư Constrained Capital, cho biết.

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt chậm lại

Lạm phát cứng đầu khiến FED đau đầu - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang thận trọng trong chi tiêu. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)

Dù vẫn đang giữ đà đi xuống, nhưng số liệu lạm phát mới nhất lại vượt quá mức thị trường dự báo. Có thể nói đây là một gáo nước lạnh đối với kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ sớm hạ nhiệt.

Nếu tính theo tháng thì chỉ số giá tiêu dùng CPI Mỹ trong tháng 1 đã đi lên 0,5% so với tháng 12/2022, một con số đáng kể khi số liệu của 2 tháng trước đó đều chỉ ghi nhận mức tăng 0,1%.

Được chú ý nhất lúc này là giá cả dịch vụ lõi loại trừ các chi phí về chỗ ở và năng lượng, còn được gọi là "lạm phát siêu lõi", cũng đang cao hơn kỳ vọng, ở mức 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này được quan tâm bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang coi đây là một chỉ số mới để đánh giá đúng hơn tình hình lạm phát trong nước, sau khi loại trừ các mặt hàng biến động theo mùa hoặc đang trên đà giảm được dự báo.

Lạm phát "cứng đầu" khiến FED "đau đầu"

Có thể thấy, lạm phát "cứng đầu" hơn dự kiến có thể sẽ có những tác động dài hơi lên lộ trình tăng lãi suất sắp tới của FED. Vì sao lạm phát lại dai dẳng như vậy và thị trường đang dự báo điều gì những bước đi sắp tới của FED?

Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang thận trọng trong chi tiêu, thậm chí với ngày Valentine, vì giá cả hàng hóa vẫn không ngừng "nhảy múa".

Trang CNBC cho biết, giá cả hàng hóa cao đã khiến 41% người Mỹ quyết định bỏ ngày lễ tình yêu ra khỏi kế hoạch chi tiêu, 23% băn khoăn về việc dự các sự kiện liên quan.

Cuộc khảo sát của Trustpilot giải thích: "Thay vì bỏ tiền mua chocolate và bữa tối như thường lệ, gần 1 nửa người Mỹ quyết định dành tiền đó cho chi phí sinh hoạt như xăng, thuê nhà và tạp hóa".

Bởi theo CNN, chi tiêu hàng tháng đã bị đẩy lên do chi phí chỗ ở chiếm gần một nửa. Kế đến là giá thực phẩm, xăng và khí đốt tự nhiên cũng cao trở lại. Đồ ăn, thức uống, so với 1 năm trước cũng đã tăng tới hơn 11%. Trong đó riêng trứng vọt lên tới 70%.

Các chuyên gia tài chính nhận định: "Nếu lạm phát chưa về quanh mốc 2%, thì tài chính các hộ gia đình Mỹ còn lao đao".

2% cũng là mục tiêu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hướng tới để dừng tăng lãi suất, thậm chí là hạ. Tuy nhiên với xu hướng lạm phát "cứng đầu" như hiện nay, tương lai đó vẫn còn xa.

Cuộc chiến chống lạm phát của FED còn dài là nhận định của Nhật báo phố Wall. Bản thân Chủ tịch FED cũng vừa cho biết ngân hàng trung ương này đã chuẩn bị tinh thần tăng lãi suất cao hơn nếu dữ liệu kinh tế không như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng đó là cách nói an toàn, bởi ông chủ tịch không chia sẻ khi nào và dữ liệu xấu đến đâu thì FED tăng bao nhiêu. Ông chỉ khuyên thị trường là "cần tiếp tục kiên trì".

Lạm phát cứng đầu khiến FED đau đầu - Ảnh 2.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: AP)

Trang Marketwatch bình: "Bản thân FED cũng đang đau đầu vì đường đi của lạm phát". Chuyên gia kinh tế trưởng của hãng tư vấn Morning Consult cho rằng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh, nhưng nó không có biểu hiện gì cho thấy sớm trở về mốc mục tiêu dài hơi 2% của FED, bên "cuộc chiến này còn lâu mới qua". Vì vậy, FED có thể sẽ đưa các lãi suất lên trên mốc 5% và giữ như vậy trong thời gian dài hơi hơn.

Công cụ theo dõi FED của CME hiện nay cho thấy 90% thị trường dự báo FED sẽ tiếp tục tăng 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp gần cuối tháng 3 và 77% đồng ý sẽ có một lần tăng tương tự vào cuộc họp đầu tháng 5.

Với số liệu lạm phát mới nhất, khả năng FED tiếp tục thắt chặt tiền tệ đã trở nên rõ ràng hơn nhiều. Cơ quan này dường như cũng đang yên tâm hơn về việc tiếp tục tăng lãi suất, khi số liệu việc làm tháng 1 vượt xa dự báo, lên tới hơn nửa triệu việc làm mới, cho thấy việc khống chế lạm phát đã không gây nguy cơ "hạ cánh cứng" cho nền kinh tế như các chuyên gia lo ngại trước đó.

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt tháng thứ 7 liên tiếp Lạm phát Mỹ hạ nhiệt tháng thứ 7 liên tiếp

VTV.vn - Số liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố đêm 14/2 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1 vừa qua tiếp tục giảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước