Sau 2 năm dịch bệnh, ngay cả việc mua xăng, mua thực phẩm hằng ngày cũng khiến nhiều người phải lo lắng, cân đong đo đếm. Một cơn bão lạm phát đang ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống hàng ngày.
Bà Alex Kramer là chủ một nhà hàng cà phê và quán ăn tại Washington, D.C. Được mở cửa lại sau dịch là một niềm vui, nhưng mọi chuyển không đơn giản như vậy.
Giá hàng hóa tăng cao tại Mỹ tạo áp lực đáng kể cho người tiêu dùng. (Ảnh: Getty Images)
"Bạn có thể thấy vấn đề tiền nong đang ảnh hưởng như thế nào.Giờ mọi người không gọi thêm đồ ăn kèm. Họ chỉ mua cà phê thường thay vì cappuccino. Giờ chúng tôi phải thiết kế ra những cốc cà phê chỉ 1 USD, giá cả phải chăng, để có người mua", bà Alex Kramer, chủ cửa hàng Dos Gringos Cafe, chia sẻ.
Sức ép giá cả lớn nhất tại Mỹ là giá xe. Mùa dịch, người dân Mỹ hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng do lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh. Vì vậy nhu cầu xe cá nhân tăng cao. Tuy nhiên chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, xe mới không sản xuất được nhiều như trước, nhu cầu mua xe lại tăng cao, khiến giá xe ở Mỹ tăng chóng mặt. Một năm qua, giá xe tại Mỹ đã tăng hơn 37%.
"Có khách hàng mua 1 chiếc xe vào năm 2019 với giá là 21.000 USD. Họ chạy 2 năm hơn 16.000 km, mà năm nay bán lại vẫn được với giá 21.000 USD. Điều này cho thấy giá xe đang tăng điên rồ như thế nào", ông Etibar Eddy Malikov, Giám đốc Hãng kinh doanh xe Arlington Auto Group, cho hay.
Người dân Mỹ đang cảm thấy ngột ngạt trong chi tiêu, từ mua xăng cho đến mua các nhu yếu phẩm cần thiết. Tại Mỹ, giá thịt xông khói đã tăng gần 19% so với một năm trước, giá quần áo nam tăng gần 11%, giá đồ nội thất tăng hơn 17%.
"Thực phẩm thực sự cần thiết cho sự sống còn, nhưng giờ giá cũng có chút khó khăn. Tôi thường phải trả 100USD hoặc 150 USD mua thực phẩm. Bây giờ tôi bước ra khỏi cửa hàng sau khi đã chi 200 - 225 USD", ông Howard Hine, cư dân thành phố Seattle, cho biết.
"Từ chi phí giao hàng, giá thành sản phẩm, mọi thứ dường như đang tăng giá. Anh thông cảm cho các công ty đang tăng giá bởi vì họ chỉ đang cố gắng kiếm tiền và trả cho nhân viên của họ một mức lương hợp lý. Nhưng dường như việc kiếm tiền những ngày này sẽ khó hơn. Anh phải thận trọng hơn về chi tiêu như thế nào", cô Kelly Maughn, cư dân thành phố Oakland, nói.
Người Mỹ hiện sợ kinh tế trì trệ và lạm phát hơn hơn cả sợ COVID-19. Cuộc thăm dò mới được thực hiện bởi hãng tin AP cho thấy 68% người được hỏi cho biết, vấn đề kinh tế và lạm phát là vấn đề lo ngại hàng đầu của họ trong năm nay. Trong khi chỉ 37% trong số những người được khảo sát coi COVID-19 là mối lo hàng đầu, giảm so với mức 53% của 1 năm trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!