Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng lên mức 4,2% từ mức 2,6% của tháng trước - mức tăng cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Đợt tăng giá khá mạnh này được Phó Chủ tịch FED Richard Clarida thừa nhận là "bất ngờ".
Điều này làm dấy lên tranh luận về liệu FED có sai hay không với nhận định mức tăng lạm phát tháng 4 dù là ngoài dự đoán vẫn chỉ là "tạm thời". Thị trường nhận định FED sẽ thay đổi cách tiếp cận việc mua trái phiếu, hay nói cách khác FED có thể bàn tới "khóa van" trong cuộc họp tháng 6 hoặc tháng 9 tới.
CPI tháng 4/2021 của Mỹ tăng cao nhất kể từ năm 2008. Ảnh minh họa - TTXVN.
CPI tháng 4 của Mỹ tăng 4,2% mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, vượt xa mọi dự báo dù thị trường đã chuẩn bị sẵn tâm lý. Phố Wall đã có 1 tuần hoảng loạn khi cả ba chỉ số chủ chốt ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 3 tháng.
"Bóng ma" lạm phát dần xuất hiện sau 1 năm Mỹ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng kết hợp với chính sách tài khoá siêu mở rộng của Chính phủ liên bang. Áp lực lạm phát từ mơ hồ đã trở nên rõ ràng khi giá cả đầu vào từ đồng, thép, quặng sắt, dầu, gỗ, con chip... cho tới các loại nông sản như ngô, đậu tương và giá nhân công đồng loạt leo thang mạnh.
Khoảng 36% số doanh nghiệp nhỏ được khảo sát bởi Liên đoàn Kinh doanh độc lập quốc gia Mỹ (NFIB) cho biết, đã nâng giá bán hàng hoá trong tháng 4 - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1981.
Trong bình luận mới nhất, Giáo sư Jeremy Siegel - một trong những tiếng nói có ảnh hưởng với giới cố vấn kinh tế cho chính trị gia Mỹ nhận định, lạm phát có thể tăng đến 20% trong dài hạn.
"Với việc chính sách tiền tệ và tài khóa siêu nới lỏng như hiện nay khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán là lớn. Nhưng khi nguồn cung tiền quá lớn, người dân có tiền rủng rỉnh trong túi hơn khiến họ đang trả giá cao hơn, lạm phát là hệ quả tất nhiên.
Tôi cho rằng lạm phát sẽ đạt 20% trong 2 - 3 năm tới. Tiền mặt và trái phiếu sẽ có ít sức hấp dẫn hơn. Trong trường hợp FED sai và phải khóa van bơm tiền qua trái phiếu lại, nhiều người sẽ phản ứng bán ra và lúc này nhà đầu tư nên gom vào vì xu hướng dài hạn là lạm phát càng tăng thì chứng khoán và bất động sản càng là chỗ lưu trữ giá trị tốt", ông Giáo sư Jeremy Siegel - Trường Wharton, Đại học Pennsylvania nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng, tỷ lệ lạm phát 20% có vẻ quá cao. Mức bình quân 4%/năm trong giai đoạn 2021 - 2022 là khả thi hơn, nghĩa là tổng 2 năm vẫn dưới 10%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) (Nguồn: Reuters)
6 năm qua lạm phát Mỹ cộng lại vẫn chưa được 10%, nên chỉ 2 năm mà lạm phát đạt tới 10% là rất mạnh.
Điểm bất lợi cho Chủ tịch FED Jerome Powell là hiện tại những người được nhiều đảng phái Mỹ tham vấn chính sách như Jeremy Siegel đều nghĩ là FED đang cá cược mình vào một góc của "lạm phát tạm thời", có thể làm mất uy tín nếu họ nhận định sai về lạm phát. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang chịu sức ép thay ông Powell từ nội bộ đảng Dân chủ.
Thị trường nhận định FED sẽ thay đổi cách tiếp cận việc mua trái phiếu, hay nói cách khác FED có thể bàn tới "khóa van" trong cuộc họp tháng 6 hoặc tháng 9 tới.
Theo Bloomberg, việc lạm phát tăng ở Mỹ có thể khiến FED nâng lãi suất sớm hơn sẽ gây áp lực bán tháo đồng tiền của các thị trường mới nổi châu Á và tăng gánh nặng nợ. Trong đó, Hàn Quốc và Thái Lan là hai thị trường trái phiếu châu Á có rủi ro cao nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!