Lạm phát trong tầm kiểm soát

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 22/06/2021 21:19 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, trong năm nay lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Từ đầu năm đến nay, giá của nhiều loại nguyên nhiên vật liệu đã tăng khá cao, đặc biệt là đầu vào cho sản xuất như xăng dầu, sắt thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Nguyên vật liệu tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Ở tầm vĩ mô, thực tế này đang gây ra những áp lực lớn tới lạm phát từ nay đến cuối năm nếu không có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ, kịp thời, nhất là khi áp lực tăng giá nguyên nhiên vật liệu xảy ra cùng lúc với việc FED phát đi tín hiệu thắt chặt tiền tệ và có thể sẽ tăng lãi suất từ năm 2023.

Lạm phát trong tầm kiểm soát - Ảnh 1.

Giá thép đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Là công ty chuyên về sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên việc từ đầu năm đến nay, giá cả đầu vào có những biến động tăng mạnh đã khiến cho việc sản xuất và kinh doanh của công ty ông Võ Việt Dũng gặp không ít khó khăn.

"Giá cả nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 30 - 70%, thậm chí 80% so với cuối năm 2019 nên các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi không thể không tăng được. Tuy nhiên, mức tăng không thể như kỳ vọng. Giá thành chăn nuôi như thịt gà, thịt lợn cũng không thể tăng hàng mấy chục phần trăm được", ông Võ Việt Dũng cho hay.

Nguồn cung bị đứt gãy được cho là nguyên nhân chính khiến cho giá cả nhiều loại nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh, thép là một ví dụ. Chỉ khi nguồn cung được phục hồi, giá cả mới có thể ổn định và về dẫn mức giá hợp lý là điều mà nhiều nhà kinh doanh nhận định.

Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết: "Khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát và khống chế, nguồn cung được bổ sung thì cung cầu hàng hóa sẽ cân bằng và từ đó giá cả cũng sẽ hợp lý hơn".

Lạm phát trong tầm kiểm soát - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, trong năm nay lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Dù giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu tăng, nhưng lại bị ngáng trở bởi sức cầu tiêu dùng đang rất thấp. Bởi khi sức mua giảm, việc tăng giá bán sẽ rất khó nếu không muốn lâm vào cảnh ế ẩm, tồn kho.

"Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của 5 tháng đầu năm 2021 tương đương năm 2019. Tức nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân từ năm 2019 đến giờ là không biến động. Vì vậy, áp lực tăng giá năm nay sẽ không quá cao", ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định.

Chỉ số giá tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Đó cũng là nhận định được Cục quản lý giá Bộ Tài chính đưa ra.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, trong năm nay lạm phát tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng về dài hạn việc giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản tăng đồng loạt là điều cần phải lường trước và không thể lơ là.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước