Lạm phát Canada cao nhất trong một thập niên
Tại Canada, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên 3,6% trong tháng 5/2021, mức cao nhất trong một thập niên. Chi phí sinh hoạt, thực phẩm, năng lượng và hàng tiêu dùng tại nước này đều tăng cao hơn so với bình thường.
Cụ thể, chi phí nhà ở đã tăng 4,2%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Giá đồ nội thất cũng tăng 9,8%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982, khi Chính phủ Canada áp thuế lên tới 300% đối với một số đồ nội thất từ Trung Quốc. Giá xăng đã tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.
Lạm phát ở Anh cao nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát
Trong khi đó, lạm phát ở Anh đã chạm mức cao nhất kể từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với giá hàng may mặc, nhiên liệu và dầu mỏ bật tăng trong bối cảnh nền kinh tế nước này mở cửa trở lại.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5 đã tăng mạnh lên 2,1%, cao hơn 0,6% so với tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7/2019, chỉ số này phá vỡ mục tiêu 2,0% mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đề ra.
Theo các chuyên gia, mức tăng của chỉ số lạm phát tại Anh trong tháng 5 chủ yếu do giá nhiên liệu tăng trong năm 2021 nhờ giá dầu thô phục hồi.
Lạm phát ở Đức tăng tháng thứ 5 liên tiếp
Còn tại Đức, tỷ lệ lạm phát cũng đang tăng mạnh. Trong tháng 5/2021, lạm phát của nước này đã đạt mức 2,5%. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp tỷ lệ lạm phát gia tăng. Người tiêu dùng Đức đang cảm nhận rõ xu hướng giá cả hàng hóa gia tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu.
Giới chuyên gia nhận định một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát tăng mạnh tại Đức là do sự tăng giá của các sản phẩm năng lượng. Giá các sản phẩm này đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân thứ hai là thuế giá trị gia tăng (VAT) đã trở lại giá trị bình thường như trước đại dịch từ tháng 1/2021. Ngân hàng Trung ương Đức dự báo tỷ lệ lạm phát tại Đức có thể còn tăng tới 4% trong những tháng tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!