Lạm phát: "Bóng ma" hay cơn bão trong tách trà?

Thùy An-Thứ năm, ngày 17/06/2021 10:58 GMT+7

VTV.vn - Sau khi bơm hàng nghìn tỷ USD để cứu nền kinh tế khỏi đại dịch COVID-19, nay các quốc gia lại đối mặt với thách thức mới đó là lạm phát.

Cú "lật kèo" của FED

Rạng sáng nay (17/6) theo giờ Việt Nam, chứng khoán Mỹ cũng như giá vàng đã đồng loạt lao dốc sau dự báo gây sốc của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Cụ thể, sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, Cục dữ trữ Liên bang Mỹ đã thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ gần bằng 0 để hỗ trợ nền kinh tế.

Song theo dự báo lãi suất mới nhất từ Fed cho thấy 11/18 thành viên của FOMC dự báo lãi suất cơ bản của đồng USD sẽ tăng ít nhất 2 lần, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm, trong năm 2023. Theo CNN, lãi suất cơ bản tại Mỹ sẽ tăng lên mức 0,6% vào năm 2023.

Lạm phát: Bóng ma hay cơn bão trong tách trà? - Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell từng tuyên bố "không nghĩ đến việc tăng lãi suất"

Điều đáng nói là dự báo này đi ngược lại hoàn so với những gì mà FED từng tuyên bố trước đây. Năm ngoái, Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố rằng "không nghĩ đến việc tăng lãi suất". Mới tháng 3 vừa qua, FED cũng cho biết không tăng lãi suất cho đến ít nhất là năm 2024.

Mối lo về lạm phát được xem là nguyên nhân cho sự "bất nhất" của FED. Trong cuộc họp của FOMC, cùng với việc nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 6,5% lên 7%, FED cũng nâng dự báo lạm phát của kinh tế trong năm nay lên 3,4% từ mức 2,4% trong tháng 3 vừa qua. Đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng hành động nếu thấy cần thiết.

Điều đáng nói dự báo của FED đưa ra khi mà chỉ trước đó ít ngày, Chủ tịch Jerome Powell còn khẳng định rằng lạm phát chỉ là "tạm thời", và nó chủ yếu đến từ sự bùng nổ của nền kinh tế sau một thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh.

"Khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, sự thay đổi về nhu cầu có thể lớn và nhanh chóng, và những trở ngại, khó khăn trong tuyển dụng lao động cũng như các ràng buộc khác có thể tiếp tục hạn chế mức độ điều chỉnh nhanh chóng của nguồn cung khiến khả năng lạm phát có thể trở nên cao hơn và dai dẳng hơn", ông Jerome Powell tuyên bố sau cuộc họp của FOMC.

Bên cạnh lãi suất, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng phát đi tín hiệu rằng FOMC đã bắt đầu nghĩ đến vấn đề giảm chương trình mua tài sản dù chưa sẵn sàng ngay cho việc này. Cụ thể ở đây là FED đã bắt đầu thảo luận về thời điểm cắt giảm chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD.

Lạm phát: Bóng ma hay cơn bão trong tách trà? - Ảnh 2.

FED đã bắt đầu thảo luận về thời điểm cắt giảm chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD

Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS) mới đây công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này đã tăng 5% trong 12 tháng tính đến tháng 5 vừa qua. Điều làm dấy lên lo ngại về lạm phát vốn đang được các nhà chính sách ở Washington lên tiếng cảnh báo. Theo BLS, CPI tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ năm 2008 khi các nhà cung cấp vật lộn để theo kịp với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

"Bóng ma" lạm phát?

Không chỉ tại Mỹ, mối lo lạm phát đang diễn ra tại hàng loạt quốc gia.

Tại Anh, nhiều ý kiến cho rằng nước Anh đang phải đối mặt với những thách thức chính sách lớn nhất kể từ Thứ Tư Đen năm 1992 (sự kiện ngày 16/9/1992, khi đồng bảng Anh sụp đổ buộc nước này phải rút khỏi Cơ chế tỉ giá hối đoái châu Âu) vì mối đe dọa đến từ lạm phát.

Dù kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andy Haldane cho rằng những lo ngại này là thái quá song lạm phát ở Anh đã chạm mức cao nhất kể từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong thông báo ngày 16/6, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5 đã tăng mạnh lên 2,1%, cao hơn 0,6% so với tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7/2019, chỉ số này phá vỡ mục tiêu 2,0% mà BOE đề ra.

Tại Đức, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết lạm phát của nước này trong tháng 5/2021 đã đạt mức 2,5%, cao nhất kể từ năm 2011. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp tỷ lệ lạm phát gia tăng.

Destatis cho biết một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát tăng mạnh là do sự tăng giá của các sản phẩm năng lượng (dầu diesel, xăng, dầu sưởi và khí đốt tự nhiên). Theo tính toán, giá các sản phẩm này đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát: Bóng ma hay cơn bão trong tách trà? - Ảnh 3.

Mối lo lạm phát đang diễn ra tại nhiều quốc gia

Còn tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, theo thống kê, lạm phát giá tại nhà máy của Trung Quốc chạm mức cao nhất trong 13 năm. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI), phản ánh giá mà các nhà máy tính phí bán buôn cho sản phẩm đã tăng 9% trong tháng 5 so với một năm trước đó, tăng so với mức tăng 6,8% trong tháng 4. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chính thức của Trung Quốc đã tăng 1,3% trong tháng 5 so với một năm trước đó, từ 0,9% vào tháng 4.

Cơn bão trong tách trà?

Trong một bài viết đáng chú ý, Giám đốc điều hành của New View Economics - David Brown nói rằng đã đến lúc dừng "trò chơi" đổ lỗi lạm phát giữa Trung Quốc – Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc dường như đang đổ lỗi cho các chính sách kích thích kinh tế quá mức từ châu Âu và Mỹ đã làm tăng nguy cơ lạm phát trên toàn cầu. Trong khi nhiều ý kiến từ Mỹ và châu Âu lại cho rằng áp lực lạm phát đến từ chuỗi cung ứng toàn cầu, và nó đang được thúc đẩy bởi lạm phát giá tại nhà máy của Trung Quốc.

"Không ai đáng trách - đó chỉ là tình trạng của thế giới khi kinh tế toàn cầu trở lại bình thường, khi mà tình trạng tồn đọng sản lượng, việc làm… được giải quyết.

Sau thời kỳ khó khăn mà thế giới đã trải qua trong 15 tháng qua, việc lo lắng về rủi ro lạm phát trong tương lai là một cơn bão trong tách trà", David Brown nhận định.

David Brown nhấn mạnh rằng thế giới đang chuyển từ trạng thái gần như giảm phát vào năm ngoái sang lạm phát cao hơn vào năm 2021. Theo David Brown, miễn là các điều kiện cung và cầu không có sự bất đồng bộ bất thường, trong các chu kỳ kinh doanh bình thường thì khi lạm phát tăng lên, nó thường có xu hướng ổn định trở lại một cách hợp lý một cách nhanh chóng.

"Đây là điều đã diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu khi lạm phát thế giới duy trì ở mức khá ổn định, trung bình 3,8% kể từ năm 2000", David Brown cho biết.

Lạm phát: Bóng ma hay cơn bão trong tách trà? - Ảnh 4.

Lạm phát toàn cầu được duy trì ở ngưỡng 3,8% kể từ năm 2000

Cùng quan điểm với David Brown, trong cuộc họp của FOMC, FED lại một lần nữa nhấn mạnh lạm phát chỉ là "tạm thời" và đồng thời dự báo lạm phát sẽ giảm xuống chỉ còn 2,1% trong năm 2022.

Trong tầm kiểm soát

Tại Việt Nam, những nỗi lo về lạm phát cũng đã xuất hiện. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, lạm phát tháng 5 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá sắt thép, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phí vận tải biển… tăng chóng mặt đang khiến không ít những lo ngại về mục tiêu tăng CPI 4% mà Quốc hội đã giao Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới đây đã tuyên bố những áp lực tăng giá vừa qua đều nằm trong các kịch bản điều hành giá, cũng như nằm trong tầm kiểm soát.

Cụ thể theo Bộ Tài chính, những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020.

Lạm phát: Bóng ma hay cơn bão trong tách trà? - Ảnh 5.

Bộ Tài chính nhấn mạnh lạm phát đang trong tầm kiểm soát

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa (dư địa tăng 0,84% mỗi tháng) để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%.

"Do vậy, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá", Bộ Tài chính thông tin thêm.

Cùng quan điểm với Bộ Tài chính, công ty VNDirect cũng cho rằng Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát.

Theo VNDirect, CPI tháng 5/2021 tăng 0,2% so với tháng 4/2021, chủ yếu do chỉ số giá giao thông tăng 0,8% và chỉ số nhà ở & vật liệu xây dựng tăng 0,4%. Tuy nhiên, chỉ số CPI trong giai đoạn tháng 4 - tháng 5 thấp hơn dự báo của công ty này bởi chỉ số giá nhóm lương thực thực phẩm thấp hơn dự báo. Điều này đến từ việc giá thịt lợn giảm mạnh trong hai tháng qua, các biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát lạm phát của Chính phủ và nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4.

"Chúng tôi hạ dự báo CPI bình quân Q2/2021 xuống 2,9% từ mức dự báo trước đó là 4- 5%. Đồng thời vẫn giữ dự báo CPI bình quân năm 2021 ở mức 2,9%", VNDirect nhận định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước