Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng Mỹ vẫn đang oằn mình gánh những khoản tăng giá chóng mặt của các loại hoá đơn trong cuộc sống hàng ngày.
Giá xăng đã giảm 20% trong 1 tháng qua, giá vé máy bay cũng hạ nhiệt. Nhưng những mặt hàng sát sườn với người tiêu dùng Mỹ nhất vẫn đang ở đỉnh cao của lạm phát.
Chị Alexis Ramirez, người dân New York, Mỹ, cho biết: "Giá thực phẩm đã tăng rất nhiều. Tôi vừa đi chợ xong. Bình thường từng ấy đồ ăn thức uống chỉ hết có 130 USD mà bây giờ hết những 200 USD. Cả những đồ dùng vệ sinh cá nhân thiết yếu cũng tăng giá".
Bất chấp chỉ số lạm phát đã hạ nhiệt trong tháng 7, thực trạng lạm phát tại Mỹ vẫn đang ở gần mức cao kỉ lục trong vòng 40 năm trở lại đây. Trong 1 năm qua, riêng giá thực phẩm đã tăng 13%. Những mặt hàng thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn gia đình Mỹ cũng đội giá chóng mặt. Trứng tăng giá gần 40%, thịt gà tăng gần 18%, thịt bò xay tăng gần 10%. Nên việc giá xăng dầu giảm trong tháng vừa qua cũng chỉ là lấy chỗ nọ đập vào chỗ kia, và nhiều người tiêu dùng Mỹ vẫn phải co kéo chi tiêu các khoản khác.
Ông Stefan Simpson, người dân New York, Mỹ, nói: "Tôi phải cắt giảm bớt các khoản mua sắm linh tinh khác như Amazon hay Best Buy. Tôi chỉ mua những thứ thật sự cần thiết thôi".
Trong tháng 7, ngoài giá thực phẩm, giá thuê nhà, dịch vụ y tế, đồ nội thất, phương tiện đi lại và các dịch vụ giải trí đều tăng. Nếu loại trừ giá thực phẩm và giá xăng dầu, thực tế chỉ số lạm phát vẫn tăng 0,3% trong tháng 7, so với 0,7% của tháng 6. Nói cách khác, ví tiền của người dân Mỹ vẫn bị lạm phát đeo bám dai dẳng.
Bà Mellissa Martinez, người dân Los Angeles, Mỹ, nói: "Với tôi, thứ tăng giá rõ rệt nhất chính là giá điện nước. Các loại hoá đơn của nhà tôi đều cao hơn rất nhiều so với trước".
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kí đạo luật giảm lạm phát còn Hạ viện thì thông qua luật thuế biến đổi khí hậu với hy vọng rằng các đạo luật này sẽ góp phần kìm hãm lạm phát hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!