Đây là thành phần kinh tế quan trọng để thúc đẩy phát triển bộ mặt nông thôn. Nhưng hiện nay đa phần các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vẫn thực hiện theo kiểu "đèn nhà ai nấy rạng", không có sự liên kết và phát triển manh mún. Tư duy hợp tác cần phải thay đổi thế nào để tăng khả năng chống chịu trước các thách thức và trở thành một mô hình kinh tế ưu việt đem lại phúc lợi cho nông dân?
Ngày 19/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết 20 thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát huy được vai trò liên kết trong kinh doanh của hợp tác xã sẽ là hướng đi phát triển bền vững. Ảnh: VOV
Một trong những nội dung quan trọng mà hội nghị đưa ra đó là việc làm sao để xâu chuỗi được các HTX nông nghiệp, phát huy được thế mạnh của các HTX để nâng cao đời sống của nông dân. Đây là vấn đề rất nóng bỏng bởi lâu nay, để tìm được tiếng nói chung giữa các HTX là điều không đơn giản và cả vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đây cũng cần được nói đến - bởi đây được ví như chất kết dính giữa những HTX với nhau bằng chính sách. Nói chính xác hơn, đây chính là kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Tăng nhanh hợp tác xã có chuỗi giá trị hiệu quả
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 18.000 HTX nông nghiệp, trong đó HTX hoạt động hiệu quả đã tăng lên 60%. Có hơn 4.000 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chỉ chiếm gần ¼ tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Gần 2.300 HTX nông nghiệp đã thành lập được doanh nghiệp trong HTX. Doanh thu bình quân mỗi HTX nông nghiệp khoảng 2,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động khoảng 40,5 triệu đồng/năm.
Các hoạt động dịch vụ của HTX nông nghiệp cũng đã góp phần tăng thu nhập của hộ thành viên từ 20-30%.
Đưa HTX trở thành mô hình kinh tế ưu việt ở nông thôn
Từ chỗ bị xem là một mô hình cũ, cản trở sự phát triển, các HTX nông nghiệp kiểu mới đã đang dần trở lại hình ảnh của một mô hình kinh tế ưu việt ở nông thôn. Hiệu quả của kinh tế tập thể chính là tiền đề để nông dân Việt Nam chuyển tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh những thay đổi lớn về tư duy và cách làm, nhiều HTX quy mô còn nhỏ bé, nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh còn hạn chế, đang phải chịu sự canh tranh rất lớn với các thành phần kinh tế khác. Những HTX đang muốn tăng quy mô thì năng lực quản trị là bài toán khó.
Trong giai đoạn 10 năm tới, HTX được định vị là một thiết chế kinh tế nông thôn để tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Muốn vậy, bên cạnh nguồn lực nội tại, HTX đang rất cần những cú hích về chính sách, nhân lực và hạ tầng
Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho các chủ thể tham gia, vì vậy, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp mà cụ thể ở đây là ở các HTX là quá trình tất yếu. Đặc biệt, trong giai đoạn khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, muốn sản xuất hàng hóa lớn tất yếu phải liên kết hợp tác, làm theo tiêu chuẩn .thì sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường.
Trong những năm gần đây, nhiều HTX nông nghiệp đã bắt kịp xu thế này và trở thành điểm sáng trong thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn. Điều này cần nhân rộng và phát huy hơn nữa để các HTX phát huy thế mạnh của địa phương, trở thành một thành phần quan trọng của kinh tế nông thôn.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 19/10 với khách mời là ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thảo luận chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!