Nước Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang vật lộn với làn sóng dịch COVID-19 mới. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Đức đã gần chạm mốc 100.000 người, trong đó chỉ riêng ngày 24/11 đã ghi nhận thêm 335 ca tử vong mới.
Nhiều công ty Đức lo ngại dịch bệnh sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và cuối cùng sẽ dẫn đến sự phá sản hàng loạt, đặc biệt là trong ngành bán lẻ.
"70% các công ty công nghiệp nói rằng họ không tìm đủ nguyên liệu cho sản xuất. Như một hậu quả đương nhiên, các công ty này sẽ phải tăng giá bán một cách đáng kể. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát, dự báo lạm phát sẽ đạt 2 đến 3% trong năm tới. Đây sẽ là một mùa đông vô cùng khó khăn", ông Clemens Fuest, Chủ tịch viện nghiên cứu IFO, Đức, cho biết.
Nước Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang vật lộn với làn sóng dịch COVID-19 mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Tình hình tại Đức cũng là bức tranh chung cho cả châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận tình hình đang chuyển biến xấu đi một cách nhanh chóng và các dự đoán lạc quan về tăng trưởng kinh tế của cả khối vừa được đưa ra cách đây 2 tuần nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh lại.
"Chúng tôi đã dự báo kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu nội địa, nhưng nhiều diễn biến tiêu cực đã khiến xu hướng này đảo chiều và buộc chúng tôi phải nhìn nhận lại về đà phục hồi kinh tế. Vấn đề khó khăn nhất chính là sự gia tăng của làn sóng dịch COVID-19 và việc nhiều quốc gia áp dụng các chính sách hạn chế để phòng, chống dịch", ông Paolo Gentiloni, Ủy viên châu Âu trong lĩnh vực Tài chính, nhận định.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã nâng cao mức cảnh báo về mùa lễ hội cuối năm với các hoạt động như tụ họp đông người, mua sắm và du lịch. Nhà hàng, quán bar và du lịch tiếp tục là các ngành chịu nhiều tác động nhất từ đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!