Nhiều nông dân, bà con đang trông mong vào dịp Tết, bởi đây là đợt tiêu thụ nông sản lớn nhất trong năm, đem đến nguồn thu nhập lớn hơn ngày thường cho người sản xuất. Năm nay sức mua dự báo thấp hơn đang khiến các nhà vườn, hợp tác xã (HTX) phải tìm cách ứng phó.
Hội chợ cam Hưng Yên cuối tuần qua đã giúp tiêu thụ 25 tấn cam. Trước 2 đợt tiêu thụ lớn phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đây là cơ hội quý để các HTX và nhà vườn tranh thủ mở rộng bạn hàng. Còn người tiêu dùng cũng tìm được nguồn hàng Tết tin tưởng.
Long nhãn, hạt sen, bột sắn dây, những thứ quà quê được gói gọn trong những set quà Tết với mẫu mã đa dạng, chi phí phù hợp. Năm nay các set quà Tết đều nhắm đến phân khúc bình dân, giá bán không quá 500.000 đồng.
Còn tại nhà máy vừa đạt chứng nhận xuất khẩu chính ngạch sản phẩm yến sang Trung Quốc, các dây chuyền cũng đang tập trung sản xuất dòng sản phẩm yến nước, giá mềm hơn so với tổ yến. Tết năm nay, họ tung ra thị trường 6 vị nước yến hướng đến dòng quà tặng tăng cường sức khỏe.
Trước những dự báo về tình hình mua sắm Tết không mấy khởi sắc, các nhà vườn trồng hoa và cây cảnh tại Hưng Yên cũng đã chủ động giảm sản lượng và chỉ sản xuất dòng hoa và cây trang trí Tết vừa tiền.
Đẩy mạnh tiêu dùng nông sản nhân Tháng Khuyến mại tập trung Quốc gia
Người dân chọn mua rau, củ tại một siêu thị. (Ảnh: NLĐ)
Ngành Công Thương cũng vừa khởi động Chương trình Khuyến mại tập trung Quốc gia 2023. Đây là giải pháp thiết thực, kịp thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nói chung.
Tham gia chương trình này, các siêu thị sẽ bán các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá cho người tiêu dùng theo giá bán buôn.
Những mặt hàng tiêu dùng thường xuyên trong dịp Tết như thực phẩm khô được giữ giá cố định trong 3 tháng bất chấp biến động của thị trường, nghĩa là khi thị trường giảm, giá tại siêu thị sẽ giảm, nhưng nếu thị trường tăng thì giá vẫn được giữ nguyên.
Tất cả các doanh nghiệp đều có quyền tham gia chương trình bằng việc chủ động thực hiện các hoạt động khuyến mại của mình, với nội dung hướng đến người tiêu dùng; chủ động áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo các hoạt động khuyến mại hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Làng nghề chủ động tìm đầu ra cho hàng Tết
Thời điểm này, các làng nghề truyền thống đang chạy đua với thời gian để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Trong bối cảnh hàng Tết năm nay đứng trước nguy cơ tiêu thụ khó khăn hơn so với mọi năm đã đòi hỏi các làng nghề phải thức thời để tìm cách thích ứng. Câu chuyện từ làng sản xuất miến truyền thống Việt Cường, chuyển mình với nhiều cách làm mới cho vụ Tết năm nay là một ví dụ.
Làng nghề miến sôi động hơn với sự xuất hiện của những người quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Liên minh HTX Thái Nguyên đã hỗ trợ các hộ sản xuất trong việc giới thiệu và bán hàng thông qua mạng xã hội. Phương thức có thể còn lạ, nhưng sẽ dần phổ biến hơn để các hộ sản xuất miến áp dụng trong vụ bán hàng Tết này.
2 lạng một gói thay vì 1 gói nửa cân, người tiêu dùng tiết kiệm hơn, người sản xuất cũng sẽ có cách để xoay xở. Không chỉ thay đổi về khối lượng đóng gói, HTX còn đa dạng sản phẩm với 4 loại miến khác nhau phục vụ các nhu cầu xào, nấu hay ăn kiêng của thực khách. Miến kết hợp cùng với các sản phẩm măng, mộc nhĩ, nấm hương cũng thành một giỏ quả Tết đậm hương vị cổ truyền.
Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá, thay đổi mẫu mã, huyện Đông Hỷ cũng đang xây dựng các tour thăm quan làng miến. Du khách chính là những khách hàng tiềm năng, khi được tận mắt chứng kiến khâu sản xuất, họ cũng sẽ yên tâm đặt hàng.
Sản phẩm miến của HTX Việt Cường. (Ảnh: TTXVN)
"Du lịch trải nghiệm dịp Tết, trải nghiệm làng nghề, đặc biệt là thăm và được thưởng thức sản phẩm miến tại làng nghề là một trong những nội dung mới. Tôi hy vọng sẽ mang lại môi trường mới cho khách du lịch, gắn liền với du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực và trải nghiệm sản xuất miến tại làng nghề", ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, Thái Nguyên, cho biết.
Thị trường và nhu cầu của khách thay đổi vừa là thách thức, vừa là động lực để các làng nghề truyền thống có những bước chuyển mình. Tết có đủ đầy, hàng có bán hết phụ thuộc vào chính sự điều chỉnh linh hoạt, lắng nghe thị trường từ phía người sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!