Chỉ sau 1 năm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận tập thể, hồng vành khuyên Văn Lãng đã được sản xuất theo quy trình VietGap ở 60ha, trong đó, có hơn 1ha của ông Triệu Văn Đô (thôn Khun Lỳ, Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn).
Được biết, phải dự tập huấn 10 buổi, ông Đô mới đồng ý chăm bón hồng theo kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt. Lúc mới làm ông cũng ngại vì mất nhiều công hơn và phải tuân thủ đúng lịch, không tùy tiện như trước. Đơn cử như trái hồng, ông phải ngừng phun mọi thứ phân, thuốc trước khi hái cả tháng.
Từ chỗ không muốn tham gia chương trình, hiện vườn hồng nhà ông Đô đã thành mô hình cho bà con cả huyện về tham quan, học hỏi. Từ trái hồng VietGap to đều, bóng vỏ, luôn được giá cao hơn 3.000 - 5.000 đồng/kg so với hồng bình thường, nên nhiều người dân đã đồng ý bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất VietGap ngay sau vụ thu hoạch này.
Mới đây, Hội thi Kiến thức trồng hồng vành khuyên theo quy trình VietGap lần đầu tiên đã được huyện Văn Lãng tổ chức. Đây là dịp để các thí sinh và tất cả các chủ vườn nắm chắc kỹ thuật canh tác an toàn.
Qua hội thi, các chủ vườn giỏi lý thuyết, có sản phẩm hồng VietGap trưng bày đẹp đã được hội thi tôn vinh. Thời gian tới, huyện Văn Lãng dự kiến sẽ nâng diện tích trồng hồng VietGap, nhằm tạo ra vùng hồng an toàn lớn của đồng bào dân tộc ít người vùng biên giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!