Lao động và vaccine - Thách thức nửa cuối năm của dệt may

Mai Phương-Thứ năm, ngày 19/08/2021 06:20 GMT+7

VTV.vn - Ngành dệt may sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm nay khi thiếu hụt lao động, tỷ lệ tiêm vaccine hiện vẫn còn thấp.

Theo báo cáo từ VN Direct Reasearch, nửa đầu năm nay, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp dệt may niêm yết tăng 90% so với cùng kỳ năm 2020. Sự phục hồi nhu cầu mạnh tại thị trường Mỹ và EU đã tạo nên mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, nửa cuối năm thực sự là thách thức khi dự báo kết quả ngành này chỉ có thể đạt 84% kế hoạch năm.

Một nửa số nhà máy dệt may nằm ở khu vực phía Nam, nơi nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội. Tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí cũng như hạ tầng để thực hiện "3 tại chỗ" cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất, năng suất lao động hiện cũng chỉ ở mức 30%.

"Khả năng mất đơn hàng cao vì khách hàng không thể chờ được. Vì hàng may mặc là hàng thời trang, mùa này được thì bán cho mùa này thôi. Còn mùa khác không bán được hàng này. Khả năng đơn hàng ở Việt Nam sẽ bị đưa đi các nước khác", bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú, chia sẻ.

Lao động và vaccine - Thách thức nửa cuối năm của dệt may - Ảnh 1.

Sản xuất sản phẩm may mặc tại một công ty ở Hưng Yên. (Ảnh: TTXVN)

Nếu theo kịch bản khả quan, dịch được kiểm soát vào cuối tháng 8, ngành dệt may có thể đạt kim ngạch khoảng 33 tỷ USD.

"Nếu cuối tháng 8 Việt Nam kiểm soát được thì khả năng cũng chỉ đạt theo kế hoạch từ 80 - 85% hoặc hơn chút, nhưng tình hình này chưa ai nói được điều gì", ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay.

Thách thức trong nửa cuối năm nằm ở việc thiếu hụt lao động. Dự báo, lượng công nhân chỉ còn khoảng 65% và tỷ lệ tiêm vaccine hiện vẫn đang thấp.

"Đối với các doanh nghiệp ở vùng dịch, như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, tỷ lệ người lao động được tiêm khá lớn, nhưng toàn ngành chưa thống kê được, khoảng 2 - 5%", ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm.

Trước đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam đã có nhiều cuộc họp cùng Hiệp hội may mặc và giày dép Hoa Kỳ, bàn về cách thức vận động vaccine và giải pháp phục hồi từng bước cho sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam.

VITAS kỳ vọng trong cuộc họp cấp cao giữa Mỹ và Việt Nam vào cuối tháng này sẽ thảo luận chi tiết giải pháp đảm bảo "sức khỏe" chuỗi cung ứng của hai nước. Trên cơ sở đó, các hành động có thể được thực thi trong tháng 9.

Dự báo dệt may 'thấm đòn' COVID-19 trong nửa cuối năm 2021 Dự báo dệt may "thấm đòn" COVID-19 trong nửa cuối năm 2021

VTV.vn - VNDirect cảnh báo hàng loạt những thách thức cho ngành dệt may trong nước trước tác động của COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước