Lao động Việt già đi song người trẻ lại thiếu việc làm, cạnh tranh chỉ hơn Indonesia và Lào

Thùy An-Thứ hai, ngày 26/04/2021 12:18 GMT+7

VTV.vn - Đây là hai trong số những khảo sát đáng chú ý của Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế Trung ương (CIEM) với thị trường lao động Việt Nam.

Sáng nay (26/4), nằm trong Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”.

Tại Hội thảo CIEM đã công bố các thực trạng hết sức đáng chú ý của thị trường lao động Việt Nam.

Hơn một nửa hoạt động tìm việc làm tại Việt Nam qua bạn bè, người thân…

Báo cáo về thực trạng thị trường lao động Việt Nam, CIEM cho biết hiện cơ sở dữ liệu việc làm của các trung tâm giới thiệu việc làm công lập ít, chủ yếu là về đối tượng bảo hiểm thất nghiệp; Các trung tâm ít khi thực hiện thu thập và cập nhật thông tin về người tìm việc hay việc tìm người. Trong khi đó, thông tin từ các công ty tư nhân thường không cho phép tiếp cận mở.

Lao động Việt già đi song người trẻ lại thiếu việc làm, cạnh tranh chỉ hơn Indonesia và Lào - Ảnh 1.

Theo CIEM, hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; 2-3% tìm qua trang web

Cũng theo CIEM, các trung tâm giới thiệu việc làm công lập thiếu năng động, vẫn mang tính hành chính, phục vụ chủ yếu đối tượng bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực hành chính công. Ngoài ra chưa có sự kết nối giữa các trung tâm giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm tư nhân.

“Hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; 2-3% tìm qua trang web”, CIEM nêu thực tế khớp nối cung - cầu lao động trên thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý thực trang này diễn ra khi mà tại Việt Nam đang có 227 điểm chi nhánh dịch vụ việc làm, 48 sàn giao dịch việc làm, cùng với đó là Cổng thông tin điện tử việc làm Việt Nam. Bên cạnh đó là hàng loạt công ty dịch vụ việc làm của các công ty tư nhân.

Lao động Việt Nam già đi, nhưng người trẻ lại thiếu việc làm

Bên cạnh khớp nối cung - cầu lao động, theo CIEM, lực lượng lao động của Việt Nam đang có xu hướng già đi, lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa.

Lao động Việt già đi song người trẻ lại thiếu việc làm, cạnh tranh chỉ hơn Indonesia và Lào - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực của CIEM

"Tuổi bình quân và trung vị lực lượng lao động của Việt Nam tăng lên trong 10 năm qua. Theo đó tuổi bình quân tăng từ 38 tuổi lên 41 tuổi, tuổi trung vị tăng từ 37 lên 40 tuổi", bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực của CIEM cho biết.

Đáng chú ý theo CIEM, dù lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa, song tỷ lệ thất nghiệp với lực lượng lao động này lại đang ở mức cao.

"Số lượng lao động trẻ đang giảm nhưng thất nghiệp lao động trẻ trong độ tuổi 15 - 24 thường xuyên ở mức cao. Năm 2019, tỷ lệ này này là 6,5% - chiếm gần 40% tổng số người thất nghiệp", bà Quỳnh cho biết.

Lao động Việt già đi song người trẻ lại thiếu việc làm, cạnh tranh chỉ hơn Indonesia và Lào - Ảnh 3.

Lao động Việt Nam già đi, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ lại đang ở mức cao (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Theo bà Quỳnh, đây là con số rất đáng suy nghĩ bởi điều này thể hiện lực lượng lao động trẻ rất khó kiếm việc làm trên thị trường hiện nay.

"Đây là độ tuổi lao động có thể lực tốt, nhanh nhạy, chúng tôi nghĩ rằng việc tận dụng lực lượng lao động trong độ tuổi này nên được suy nghĩ một cách thỏa đáng", bà Quỳnh nêu quan điểm.

Cũng theo bà Quỳnh, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ tăng cũng thể hiện sự bất cập trong giáo dục.

"Lực lượng lao động trẻ chúng ta ra trường nhưng không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động", bà Quỳnh nói.

Chất lượng, cạnh tranh thấp

Theo CIEM, thực tiễn những năm vừa qua cho thấy thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định. Cụ thể, lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.

Song theo Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), Lê Thị Xuân Quỳnh chất lượng nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn thấp.

Lao động Việt già đi song người trẻ lại thiếu việc làm, cạnh tranh chỉ hơn Indonesia và Lào - Ảnh 4.

Chất lượng lao động Việt Nam vẫn còn thấp

"Lao động qua đào tạo của chúng ta tăng 20 điểm %, từ 40% năm 2010 lên 64,5% năm 2020. Nhưng đây là bao gồm toàn bộ lao động đã có chứng chỉ và không có chứng chỉ (tức lao động từ được đào tạo từ 3 tháng trở lên, cũng như được đào tạo dưới 3 tháng không có chứng chỉ).

Dù tăng mạnh như thế nhưng chúng ta thấy rằng tỷ lệ 64,5% lao động qua đào tạo năm 2020 vẫn chưa đạt mục tiêu chúng ta đề ra trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực là 70% vào năm 2020", bà Quỳnh cho biết.

Ngoài ra, nếu chỉ xét những lao động có bằng cấp chứng chỉ từ 3 tháng trở lên, tỷ lệ này chỉ là 24,5% vào năm 2020. Chỉ tiêu trên cũng không đạt được mục tiêu đề ra là 25%.

Ngoài ra, việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019, trong khi đào tạo qua cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%.

Lao động Việt già đi song người trẻ lại thiếu việc làm, cạnh tranh chỉ hơn Indonesia và Lào - Ảnh 5.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh thị trường lao động các quốc gia khối ASEAN

Từ chất lượng thấp, CIEM cho biết năng lực cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam trong khối ASEAN chỉ hơn Indonesia và Lào, còn lại kém tất cả các nước còn lại.

Năng suất lao động ở ngành sản xuất vật chất rất thấp

Còn về năng suất lao động, dù được cải thiện trong những năm qua song theo CIEM năng suất lao động Việt Nam tại các ngành sản xuất vật chất rấp thấp.

Lao động Việt già đi song người trẻ lại thiếu việc làm, cạnh tranh chỉ hơn Indonesia và Lào - Ảnh 6.

Năng suất lao động Việt Nam ở các ngành sản xuất vật chất rất thấp

"Năng suất lao động cao chủ yếu ở các ngành khai thác tài nguyên, ngành kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng…", CIEM cho biết.

Theo bà Quỳnh, đây cũng là vấn đề cần phải thay đổi trong thời gian tới", bà Quỳnh nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước