Du lịch dần khởi sắc sau đại dịch đang mang lại nhiều niềm vui cho ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên cùng với đó, vấn đề nhân lực trong bối cảnh bình thường mới cũng là một trong các bài toán đặt ra với ngành du lịch. Bởi qua 2 năm đại dịch COVID-19, một lượng lớn nguồn nhân lực du lịch đã chuyển đổi sang nghề khác.
Chị Tâm là hướng dẫn viên duy nhất của Ban Quản ly Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình. Là hướng dẫn viên duy nhất, nhưng công việc của chị không chỉ có làm hướng dẫn.
"Một mình tôi đảm nhiệm công việc hướng dẫn, ngoài ra còn làm thêm truyền thông, quảng bá, âm li, loa đài", chị Đinh Thị Tâm, Hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình, chia sẻ.
Tam Cốc - Bích Động là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: NLĐ)
Cũng theo đại diện của Ban Quản lý, Khu du lịch này có 28 nhân viên cho 5 nhóm công việc. Hiện với lượng du khách khoảng 7.000 người về đây trong dịp lễ giỗ Tổ, công tác phục vụ vẫn đảm bảo, nhưng để chuyên nghiệp thì phải thêm người.
"Chúng tôi cần 3 - 5 hướng dẫn viên. Bộ phận vệ sinh môi trường cũng cần 3 - 5 người", ông Hoàng Thanh Phong, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình, cho biết.
Không chỉ thiếu lao động, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đang tăng tốc đào tạo lại nhân sự, khi ngành du lịch có những tín hiệu vui mới.
Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình, hiện nhân sự du lịch toàn tỉnh còn thiếu khoảng 30%. Cùng với nỗ lực đảm bảo nhân sự, chuyển đổi số cùng phát triển bền vững giá trị du lịch di sản văn hóa và thiên nhiên cũng đang là bài toán ngành du lịch Ninh Bình đặt ra sau đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!