Từ lâu, người ta đã ví Facebook là một vương quốc tỉ dân và Mark Zuckerberg là Vua. Cứ 3 người trên thế giới thì 1 người là thần dân của vương quốc khi sử dụng các sản phẩm của Facebook từ Facebook, Messenger, Whatsapp hay Instagram. Nhưng một vương quốc hay một quốc gia bao giờ cũng có một đồng tiền riêng của mình và đó chính là lý do để đồng Libra của Facebook ra đời.
Libra sẽ được tích hợp sẵn trong Facebook Messenger, WhatsApp và có thể quy đổi từ bất cứ đồng tiền nào thành Libra rồi thanh toán mua hàng hay gửi tiền chỉ với một nút Send. Đó sẽ là một dịch vụ thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới với một mức phí giao dịch rất phải chăng. Khởi đầu, Libra sẽ là dạng tiền điện tử hỗ trợ chuyển tiền nhưng bước tiếp theo, Libra sẽ đóng vai trò của một "đồng tiền thông minh" trong những hợp đồng thông minh cho một số loại hình dịch vụ như cho vay hay bảo hiểm trên nền tảng chuỗi khối.
Giá trị của Libra sẽ được "neo" theo một rổ giá trị thị trường bao gồm một số đồng tiền pháp định uy tín như USD, Euro, Yen Nhật và trái phiếu, tín phiếu quốc gia. Bởi giá trị của các loại tiền pháp định này không biến động nhiều nhờ đó giá trị Libra cũng sẽ ổn định. Đó là điểm khác biệt giữa Libra và Bitcoin. Giá trị của đồng Libra sẽ không lên xuống với biên độ khủng khiếp như Bitcoin.
Nếu thành công, đồng Libra có thể đưa hàng tỷ người dùng vào cùng hoạt động trong một hệ thống tài chính kỹ thuật số, cho phép họ có thể bỏ qua hạ tầng ngân hàng đắt đỏ và tránh được rủi ro khi tỷ giá thay đổi thất thường.
Chức năng của tiền tệ là thanh toán. Facebook đang dần lấn mạnh sang lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Thực tế, việc mạng xã hội lớn tham gia vào thị trường tài chính, hướng đến hoạt động như một ngân hàng đã và đang diễn ra như mạng WeChat ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có những nỗi sợ từ phía các ngân hàng thậm chí, giới chức Mỹ và châu Âu gần như ngay lập tức đã "nhảy dựng lên" khi Libra chào đời. Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ - bà Maxine Waters là người lên tiếng trước tiên với ý tưởng đồng Libra của Facebook.
Bà Maxine Waters cho rằng, các nhà làm luật của Mỹ cần có thời gian để nghiên cứu và kiểm chứng những tác động của đồng tiền này tới dữ liệu cá nhân người dùng, tới an ninh quốc gia và mức độ rủi ro khi giao dịch. Mặc dù Facebook cho biết, họ không trực tiếp quản lý đồng tiền này, thế nhưng nếu trở thành hiện thực, Libra sẽ được tích hợp trong các ứng dụng của Facebook như Messenger và WhatsApp để phục vụ việc mua bán trên chợ trực tuyến mà hãng này đã xây dựng. Một số nghị sỹ khác đang kêu gọi CEO của Facebook phải ra điều trần trước Ủy ban này.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED tỏ ra khá bình thản với khả năng xuất hiện của đồng tiền số này. Trả lời báo chí ngay sau buổi họp báo ngày 19/6, Chủ tịch FedJerome Powell cho biết, chắc chắn khi đưa ra ý tưởng này, Facebook đã tham khảo ý kiến của các nhà điều hành tài chính khắp thế giới trong đó có FED.
Vị Chủ tịch FED cũng thẳng thắn cho rằng, FED không có thẩm quyền tối cao để kiểm soát tiền số như Libra. Đó là việc của các Ủy ban thuộc Quốc hội. Nhưng nếu thấy có rủi ro và bất ổn, FED hoàn toàn có thể tác động về mặt khối lượng giao dịch. Bởi để dùng được Libra, người dùng vẫn cần phải đổi từ các đồng tiền thật như USD.
Hiện không ai có thể khẳng định, liệu Libra có vượt qua được tường lửa là hệ thống các quy định pháp luật phức tạp nhưng một điều dám chắc là dù có là Libra hay không thì công nghệ đang làm thay đổi cách thức nền kinh tế vận hành và không gì ngăn cản được điều này xảy ra. Ông chủ của một vương quốc công nghệ - Mark Zuckerberg hiểu điều đó hơn ai hết, nên chắc chắn ông sẽ làm mọi thứ có thể để dành chiến thắng trong canh bạc lớn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!