Libya đóng cửa hai cảng dầu lớn do giao tranh

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 15/06/2018 17:21 GMT+7

Cảng dầu Es Sider. Ảnh: Reuters

VTV.vn -Ngày 14/6, hai cảng dầu lớn Es Sider và Ras Lanuf của Libya đã phải đóng cửa và sơ tán nhân viên do các cuộc giao tranh sau khi một nhóm cực đoan tấn công hai địa điểm này.

Giao tranh bùng phát sau khi nhóm Lữ đoàn Phòng vệ Benghazi (BDB) trung thành với Tướng Khalifa Haftar chỉ huy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông, phối hợp với một nhóm vũ trang do Ibrahim Jathran - một cựu chỉ huy Lực lượng Bảo vệ các cơ sở dầu mỏ - dẫn đầu, tấn công vào khu vực dầu mỏ trên và giao tranh với lực lượng quân đội bảo vệ khu vực này.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết vụ tấn công đã khiến ít nhất một bể chứa tại cảng Ras Lanuf bốc cháy, gây thiệt hại 200.000 thùng dầu/ngày và tất cả nhân viên tại đây đã phải sơ tán.

Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla ước tính thiệt hại có thể tới 400.000 thùng dầu/ngày nếu hai cảng này vẫn tiếp tục đóng cửa, đồng thời gọi đây là một "thảm họa quốc gia" đối với đất nước Libya vốn phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ.

Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) Fayez Serraj đã lên án vụ tấn công nhằm vào các cảng dầu nói trên, nêu rõ đây là một hành động "leo thang vô trách nhiệm đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến".

Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cũng lên án vụ tấn công, cảnh báo tình trạng leo thang nguy hiểm tại khu vực dầu mỏ nói trên sẽ gây tổn hại nền kinh tế Libya cũng như có nguy cơ làm bùng phát một cuộc xung đột trên diện rộng.

UNSMIL nhấn mạnh sự cần thiết phải ngay lập tức khôi phục trật tự và sự thống nhất của Libya phải được đặt lên hàng đầu.

Hai cảng dầu mỏ trên nằm trong khu vực dầu mỏ cách thủ đô Tripoli khoảng 500 km về phía Đông. Khu vực này bao gồm các cảng dầu lớn nhất của Libya. Hồi tháng 9/2016, quân đội Libya đã giành kiểm soát khu vực này và trục xuất các lực lượng của Jathran khi lực lượng này đóng cửa các cảng dầu lớn và khiến Libya thiệt hại hàng tỷ USD.

Các bể chứa tại cảng Es Sider và Ras Lanuf đã bị hư hại nặng trong các cuộc xung đột vũ trang trước đó và đến nay vẫn chưa được sửa chữa.

Sản lượng dầu của Libya đã phục hồi ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và hầu như ổn định, mặc dù hoạt động khai thác vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các cơ sở dầu mỏ luôn có nguy cơ bị đóng cửa hoặc bị phong tỏa. Sản lượng khai thác của quốc gia Bắc Phi này hiện vẫn thấp hơn mức 1,6 triệu thùng/ngày của thời điểm trước cuộc nổi dậy năm 2011.

Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhapfi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.

Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA được Liên hợp quốc ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đồng được Tướng Haftar hậu thuẫn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước