10 năm qua, hơn 300.000 ha đất nông lâm trường đã bị lấn chiếm. Phần diện tích đất còn lại thì có hiệu quả sử dụng rất thấp. Thấp đến mức là mỗi năm, 1ha đất chỉ nộp cho ngân sách khoảng 85.000 đồng. Thực trạng này khiến các nông lâm trường phải nhanh chóng thay đổi mô hình hoạt động. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều nông lâm trường vẫn chưa thể tìm được hướng đi mới và tự chủ về kinh tế.
Theo đại diện một số lâm trường, từ khi chuyển đổi đang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, lâm trường đã chủ động lên phương án sản xuất và liên kết với hộ. Cách làm này đã giúp quản lý tốt đất rừng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho cả 2 bên. Tuy nhiên, trên thực tế không phải nông lâm trường nào cũng chủ động trong chuyển đổi mô hình sản xuất.
Tình cảnh trên đang buộc các địa phương phải nhanh chóng sắp xếp lại các nông lâm trường không hiệu quả bằng cách sát nhập hoặc giải thể. Số còn lại chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, qua đó gắn trách nhiệm, quyền lợi của các thành viên trong quản lý đất đai, cơ cấu lại nguồn vốn và chủ động lên phương án sản xuất.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường quản lý đất đai tại các nông lâm trường quốc doanh, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế giao khoán đất, đưa diện tích đất chưa sử dụng hợp lý, chuyển sang rừng sản xuất để phát huy hiệu quả kinh tế. Còn đối với nông lâm trường hoạt động không hiệu quả kéo dài, cơ quan chức năng sẽ bổ sung hình thức phá sản và các đơn vị sẽ phải giải thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.