Sốt đất tại nhiều địa phương
Chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất tại nhiều địa phương trên cả nước bỗng lên cơn sốt. Đất nền và thậm chí cả đất nông nghiệp được cho là nằm trong các dự án sắp phê duyệt đã được mua đi, bán lại liên tục.
Giá đất tăng đột biến, có nơi gấp 2- 3 lần chỉ trong một vài tuần. Nhiều cá nhân đổ xô vào đầu cơ, hưởng chênh lệch và đẩy giá lên cao, tạo ra những cơn sóng sốt đất đến khó tin.
Đồ án phân khu đô thị 2 bên sông Hồng dự kiến phải tới giữa năm nay mới được phê duyệt và ban hành, nhưng thông tin này đã khiến giá đất nhiều quận, huyện chạy dọc 2 bên sông Hồng ở Hà Nội bỗng nhiên tăng vọt.
Sốt giá đất đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước (Ảnh minh hoạ)
Không chỉ nhà đất ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Phước… giá đất cũng tăng nhanh từng ngày.
Sốt đất "ảo" không những gây hoang mang cho các nhà đầu tư, mà còn tạo nên dư luận xấu, khiến thị trường bất ổn. Các chuyên gia cảnh báo, hiện giá đất ở các khu vực không phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế, mà đang dựa trên những thông tin không rõ ràng, thậm chí đồn thổi, khiến thiệt hại không chỉ có người dân, mà còn gây nhiều hệ lụy khác cho xã hội.
Khi dòng tiền tìm đến đất
Bên cạnh những thông tin về quy hoạch, hạ tầng giao thông hay những dự án lớn được triển khai, sốt đất chủ yếu được "bơm thổi" bởi các chủ đầu tư, sàn giao dịch hoặc các nhà đầu cơ, môi giới bất động sản nhằm thoát hàng tồn.
Theo báo cáo mới nhất của trang batđongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới bất động sản đang tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Nhiều thông tin quy hoạch được đưa ra trong quý I đã khiến thị trường gần tái hiện đỉnh quan tâm của năm 2006. Vậy những yếu tố nào đã thúc đẩy thị trường biến đổi trong thời gian ngắn, tạo nên những cơn sốt đất ở nhiều nơi như vậy?
Sốt đất "ảo" không những gây hoang mang cho các nhà đầu tư, mà còn tạo nên dư luận xấu, khiến thị trường bất ổn. Ảnh minh họa.
Những nhóm môi giới bất động sản từ Tết ra đến nay liên tục tổ chức đưa khách đi xem đất dù thông tin về quy hoạch nhiều nơi rất mù mờ, chưa có một cơ quan quản lý nào khẳng định hay đưa ra thông tin chính thức. Quy hoạch phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu rồi quy hoạch chi tiết, nhiều quy hoạch chung đưa ra rồi để đó cả chục năm, hay việc đề xuất sân bay cũng chỉ là dự kiến. Thông tin chỉ ở mức đó nhưng thị trường đã bị đẩy lên quá mức.
Không chỉ tác động của các thông tin đồn thổi, nếu ở góc độ các kênh đầu tư thì mặt bằng lãi suất cũng đang ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Lãi suất tiết kiệm ngắn hạn của nhiều ngân hàng đến nay cũng chỉ xung quanh 3,3%. Nếu mảnh đất tăng gấp đôi gấp ba, lãi suất này không thể hấp dẫn dòng tiền.
Chứng khoán, vàng, bất động sản được coi như chiếc bình thông nhau và dòng tiền sẽ chảy quanh các kênh đầu tư đó. Thị trường bị đẩy lên cao ở một số nơi phản ánh kỳ vọng của người dân vào việc tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường bất động sản. Tuy nhiên dựa trên các thông tin quy hoạch chưa rõ ràng, dựa trên sự nóng sốt của vài nơi thì sự rủi ro cũng sẽ nóng tương ứng.
Ngăn chặn sốt đất ảo
Trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và cảnh báo tới các tổ chức tín dụng như thế nào, các cơ quan quản lý nhà nước đã có quan điểm chính thức và đưa ra các giải pháp trước tình trạng sốt đất tại nhiều nơi ra sao? Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra đề nghị cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, đặc biệt là khi hiện nay các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đang xây dựng và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng diện tích đất lớn.
Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai. Hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng sốt đất tại nhiều nơi, không để cơn sốt ảo này tác động xấu tới nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!