Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, xuất khẩu của nước này trong tháng 7 đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dẫn đầu là các ngành hàng linh kiện bán dẫn và ô tô. Xuất khẩu của Nhật Bản được hưởng lợi chủ yếu từ việc đồng yen suy yếu trong tháng 7.
Trong khi đó, Hàn Quốc ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu ngành bán dẫn lên tới 42,5% trong 20 ngày đầu của tháng 8, đóng góp vào mức tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 18%. Sự phục hồi lĩnh vực các bán dẫn và công nghệ cao đang giúp giới chức nước này kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm nay.
Các công ty Hàn Quốc đóng vai trò không thể thiếu trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp bao gồm chất bán dẫn, ô tô và pin xe điện. Cho nên, tình hình tài chính của họ có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái. Trong khi đó, đồng won, kể từ đầu năm đến nay, là một trong những đồng tiền có hiệu suất yếu nhất châu Á, so với đồng đô la Mỹ.
Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô để lắp ráp các sản phẩm xuất khẩu. Xuất khẩu mạnh mẽ cho đến nay không tác động nhiều đến xu hướng giảm giá trong nước, tạo cơ sở để Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giữ nguyên dự báo lạm phát.
Từ phía cầu, tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ đã giúp Hàn Quốc bù đắp nhu cầu suy giảm từ Trung Quốc, quốc gia vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau khi cuộc khủng hoảng bất động sản giáng một đòn mạnh vào tiêu dùng trong nước.
Một dấu hiệu cho thấy nhu cầu từ Trung Quốc có thể đang phục hồi khi xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã tăng 16,3% trong 20 ngày đầu tháng 8, so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu lần lượt tăng 18% và 18,6%. Cơ quan hải quan Hàn Quốc cho biết thêm các thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU chiếm tới 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!