Lo ngại người nước ngoài núp bóng, thâu tóm nhiều đất đai ở Việt Nam

Thùy An-Thứ hai, ngày 19/06/2023 13:56 GMT+7

VTV.vn - Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam mới được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam.

Sáng 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Luật Nhà ở (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, về quy định cá nhân, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được phép mua nhà đất, đại biểu Hòa cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều. "Không lẽ họ muốn mua nhà là được", ông Hòa Nói và đề nghị cần phải cân nhắc một cách thận trọng.

Ông Hòa cho rằng, nên chăng chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam.

Lo ngại người nước ngoài núp bóng, thâu tóm nhiều đất đai ở Việt Nam - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng dẫn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê  đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài.

"Thời gian qua, dư luận rất phản ứng đối với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai ở một số nơi. Nhất là các thành phố có giá trị đắt đỏ, thành phố du lịch.

Nếu như có quy định trong luật thì cũng nên có giới hạn về thời hạn sử dụng", ông Hoà cho biết.

Cũng liên quan đến nội dung trên, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) góp ý, vấn đề về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam tại Điều19, Điều 20 và Điều 22 của dự thảo Luật, dự Luật chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không.

Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với Điều 5 của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và Khoản 1, Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). 

Cùng với đó, liên quan đến nội dung này, tại Điểm c, khoản 1, Điều 19 quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và Khoản 3, Điều 21 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài.

"Quy định như vậy cần phải nghiên cứu, cân nhắc", ông Cường nói.

Ông cũng lưu ý, dự thảo Luật Nhà ở phải đặc biệt lưu ý đến việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không? Việc quy định như dự thảo Luật có xung đột với các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hay không?

Lo ngại người nước ngoài núp bóng, thâu tóm nhiều đất đai ở Việt Nam - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng)

Cụ thể, theo quy định hiện nay và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh và lưu trú của người nước ngoài đang trình Quốc hội thì thời gian thị thực được cấp cho khách nước ngoài vào Việt Nam tối đa là 90 ngày, trừ một số trường hợp khác như lao động, đầu tư, nhưng thời gian nhiều nhất cũng là 5 năm đối với nhà đầu tư. 

Nếu được sở hữu nhà ở thì những người được cấp thị thực có thời hạn ngắn dưới 1 năm có quyền tiếp tục ở lại Việt Nam sau khi hết thời hạn thị thực hay không. Vấn đề này cần phải được xem xét, nghiên cứu quy định kỹ lưỡng, tránh việc có thể dẫn đến khiếu kiện và tranh chấp pháp lý quốc tế.

Theo đại biểu Cường, vấn đề tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một vấn đề lớn, hệ trọng và nhạy cảm, vừa liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh, quốc phòng của quốc gia, vừa cân nhắc để đảm bảo phù hợp với xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Do đó, cần được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thống nhất, tiếp cận đồng bộ với các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, cần rà soát lại quy định để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn, xác định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được cấp loại giấy chứng nhận gì.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước