Những diễn biến vĩ mô quan trọng bao gồm: Kỳ họp lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào giữa tuần sau với dự báo Fed có tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu trong năm nay; thị trường chờ xem phản ứng của Ngân hàng Nhà nước sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed; cơn bão Yagi lớn nhất trong hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp. Đây là ý kiến của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT về diễn biến của thị trường chứng khoán tuần qua.
Kỳ vọng VN-Index vượt 1.300 điểm
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN
Ông Đinh Quang Hinh vẫn giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ những yếu tố hỗ trợ: Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75% trong những tháng cuối năm; áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường.
Đồng thời, kinh nghiệm quá khứ cho thấy "đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng".
Do vậy, ông Hinh cho rằng VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm của VN-Index, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.
Về diễn biến thị trường tuần qua, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, VN-Index giao dịch tuần này tiếp tục là một tuần giảm điểm với thanh khoản thấp. Điểm nhấn giao dịch diễn ra vào phiên thứ Ba (10/9) khi VN-Index giảm 12,5 điểm trước khi có 3 phiên cuối tuần đều đi ngang trong biên độ hẹp.
Kết thúc tuần giao dịch từ 9-13/9, VN-Index giảm 22,25 điểm xuống mốc 1.251,71 điểm; HNX giảm 2,23 điểm xuống 232,42 điểm.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này cao hơn so với tuần giao dịch sau lễ trước đó (do có đủ 5 phiên giao dịch so với 3 phiên của tuần trước) nhưng giá trị giao dịch trung bình phiên trên 3 sàn giảm 21,29%; trong đó, giá trị khớp lệnh tại HOSE trong 2 phiên giao dịch cuối tuần giảm xuống dưới 10.000 tỷ đồng và thấp nhất kể từ ngày 30/10/2023.
Khối ngoại tuần này tiếp tục đà bán ròng với 1.122,65 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã MSN (316,83 tỷ đồng), HPG (309,95 tỷ đồng), VPB (249,19 tỷ đồng) và MWG (211,18 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, mua ròng FPT (tăng 238,27 tỷ đồng), CTG (128,62 tỷ đồng)...
Cùng đó, bán ròng tuần này từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với 17,27 tỷ đồng, tập trung tại các mã SHS (56,17 tỷ đồng), MBS (27,87 tỷ đồng) và LAS (10,78 tỷ đồng), chiều mua ròng nổi bật với IDC (32,03 tỷ đồng), PVS (30,53 tỷ đồng), PVI (10,11 tỷ đồng)...
Nhóm ngành tích cực góp phần cho điểm số của thị trường tuần này là hóa chất, phân bón và cao su với các mã CSV tăng 0,51%, DCM tăng 2,14%, BFC tăng 0,33%, GVR tăng 0,29%, PHR tăng 1,40%...
Một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như công nghệ thông tin, tiêu biểu như FPT tăng 0,68%, ELC tăng 0,84%, ITD tăng 4,46%...Nhóm thực phẩm và đồ uống giao dịch khởi sắc với SBT tăng 8,37%, BAF tăng 12,68%, DBC tăng 5,56%, PAN tăng 3,97%...
Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã phân hóa điểm số như ngành ngân hàng với TPB tăng 2,54%, NAB tăng 1,85%..., VPB kết tuần tham chiếu. Tuy nhiên, chiều giảm điểm có SSB giảm 15,28%, BID giảm 2,23%, TCB giảm 2,63%, CTG giảm 1,69%...
Nhóm ngành bảo hiểm chịu ảnh hưởng của bão lũ nên giao dịch kém tích cực với BVH giảm 4,58%, MIG giảm 7,71%, BMI giảm 3,99%, VNR giảm 5,57%, ABI giảm 6,54%, BIC giảm 5,91%, PVI giảm 3,62%...Đa số cổ phiếu ngành bất động sản có một tuần giao dịch trong sắc đỏ, cụ thể là NVL giảm 11,15%, CEO giảm 4,97%, HDG giảm 4%, VRE giảm 3,98%, VHM giảm 2,05%, DIG giảm 2%... Ngành chứng khoán giảm giá với VIX giảm 4,24%, SSI giảm 3,29%, VND giảm 2,72%, BSI giảm 2,37%...
Theo SHS, trong ngắn hạn xu hướng VN-Index kém tích cực khi giao dịch dưới vùng giá trung bình 20 phiên, tương ứng 1.265 - 1.270 điểm.
VN-Index tiếp tục chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá quanh 1.250 điểm, đây là vùng giá cao nhất năm 2023, cũng như vùng hỗ trợ của kênh tích lũy trung hạn. Đây là vùng giá tương đối hợp lý đối với triển vọng tăng trưởng của thị trường, với kỳ vọng thị trường sẽ dần phân hóa, có thể mở ra nhiều vị thế tích lũy hợp lý dựa vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh quý III/2024. Tuy nhiên diễn biến giao dịch hiện tại vẫn chưa cho thấy lực cầu, dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt trở lại, SHS nhận định.
SHS kỳ vọng trong tuần sau, VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm và phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự gần nhất hiện nay tương ứng quanh 1.265 điểm. Các vị thế giao dịch ngắn hạn, nên chờ chỉ số VN-Index vượt lên xu hướng điều chỉnh kéo dài từ 29/8/2024 đến nay.
Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, trong 2 phiên hồi phục ngày 11 và 12/09, đà tăng của VN-Index có dấu hiệu chững lại tại vùng 1.260 điểm do thiếu lực cầu mua lên. Trong phiên cuối tuần (13/9), thị trường giao dịch chậm và cũng đã xuất hiện dấu hiệu "nôn nóng" của bên bán.
"Chúng tôi lo ngại khả năng giữ vững mốc 1.250 trong ngắn hạn, vùng hỗ trợ tiếp theo là vùng 1.220 – 1.230", ông Phương nhìn nhận.
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến thận trọng trong bối cảnh chứng khoán thế giới tuần qua có nhiều khởi sắc.
Tuần khởi sắc của chứng khoán thế giới
Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại một tuần giao dịch sôi động với các chỉ số đồng loạt tăng điểm trong ngày 13/9, trong khi thị trường chứng khoán châu Âu cũng đi lên sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên 41.393,78 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,5% lên 5.626,02 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 17.683,98 điểm. Trong tuần này, chỉ số S&P 500 tăng hơn 4%.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,4% lên 8.273,09 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,4% lên 7.465,25 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 1% lên 18.699,40 điểm. Một số dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.
Diễn biến này mang lại động lực cho thị trường chứng khoán toàn cầu sau những phiên giảm điểm gần đây do lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ.
Trước đó, các thị trường châu Âu đã đóng cửa trong sắc xanh, một ngày sau khi ECB giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay khi lạm phát giảm nhiệt.
Các nhà đầu tư đang hướng sự tập trung vào cuộc họp quan trọng của Fed diễn ra trong tuần tới. Sau khi cắt giảm lãi suất trong những tháng đầu của đại dịch, Fed đã bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022 khi lạm phát bắt đầu tăng và tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ.
Trong bối cảnh lạm phát dường như đang hạ nhiệt và thị trường lao động có dấu hiệu yếu đi, các nhà hoạch định chính sách được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Thị trường đang tranh luận về việc liệu Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản.
Sau khi trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 1 năm, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trong phiên giao dịch đầu tuần 9/9. Phần lớn các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch 10/9. Và đà tăng trên thị trường chứng khoán vẫn tiếp diễn trong phiên 11/9 và 12/9, khi số liệu lạm phát làm tăng khả năng Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần tới.
Theo công cụ theo dõi dự báo lãi suất FedWatch Tool của công ty dịch vụ tài chính CME, các thị trường tài chính nhận định có 85% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp trong tuần tới và 15% khả năng hạ 50 điểm cơ bản./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!