Một ngày nắng đẹp trên con phố du lịch Khao San nổi tiếng đông đúc của Bangkok, bà chủ cửa hàng lưu niệm Cletana Thangworachai mở cửa sau nhiều ngày nghỉ dịch. Cửa hàng của Clenata chứa đầy những món đồ lưu niệm xinh xắn như những chiếc móc chìa khoá hình con voi nhiều màu sắc, những chiếc quần với hoạ tiết tinh tế. Những món đồ nhỏ xinh này thường được khách du lịch ưa chuộng mỗi khi đặt chân đến Thái Lan. Nhưng giờ đây, chẳng có một vị khách nào tới mua đồ.
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch.
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch. Tổ chức du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính năm nay, nền du lịch quốc tế có thể sụt giảm tới 80% so với năm ngoái. Việc này đã đẩy ít nhất 100 triệu việc làm rơi vào khủng hoảng.
Tại Thái Lan, ngành du lịch chiếm 18% GDP cả nước. Cơ quan du lịch nước này ước tính lượng khách du lịch có thể giảm 65% trong năm nay.
Nhiều chủ cửa hàng như Cletana đang vật lộn chống trọi qua ngày. Trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, mỗi ngày Cletana có thể kiếm được 300 USD.
Tháng 4 vừa rồi, Thái Lan dừng toàn bộ các chuyến bay quốc tế, khiến kinh doanh ngày càng khó khăn, thu nhập hàng ngày của Cletana rơi xuống 2USD, và thậm chí có ngày là 0. Nhưng bà chủ 45 tuổi vẫn tiếp tục mở cửa với hi vọng sẽ gặp may với lượng khách du lịch ít ỏi ghé qua.
Ý thức được tầm quan trọng của ngành du lịch đối với người dân và nền kinh tế, nhiều nước trên thế giới đang tìm nhiều biện pháp để giải cứu du lịch.
Hành lang du lịch
New Zealand và Australia đã cùng bắt tay tạo nên một "hành lang" du lịch cho phép du khách có thể đi lại thoải mái giữa 2 nước, một khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Trung Quốc cũng đã bắt đầu cho phép du lịch nội địa, mặc dù biên giới vẫn đóng đối với phần lớn khách du lịch nước ngoài.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi các sáng kiến mới nhất được đưa ra, có thể sẽ mất nhiều năm, ngành du lịch mới có thể trở về thời kỳ hoàng kim trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Thậm chí, ngay cả khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ không còn du lịch theo cách cũ nữa.
Trong ngắn hạn, "hành lang du lịch" là giải pháp chung cho ngành du lịch tại nhiều khu vực.
Australia và New Zealand cam kết tạo ra hành lang du lịch trong vài tháng tới. Tại Châu Âu, Estonia, Latvia và Lithuania cũng đã thông báo mở cửa biên giới nội địa cho công dân 3 nước kể từ 15/5.
Hành lang du lịch là một trong những giải pháp tạm thời cho ngành du lịch hiện nay.
Với nhiều quốc gia, việc phong toả không phải là lựa chọn lâu dài, và các chuyên gia dự đoán việc các quốc gia tạo ra các hành lang du lịch của riêng mình chỉ là vấn đề thời gian.
CEO của Hiệp hội du lịch Châu Á Thái Bình Dương, Mario Hardy nhận định Việt Nam và Thái Lan có thể sẽ tạo ra hành lang du lịch trong vài tháng tới.
Nhà phân tích hàng không Bredan Sobie hi vọng có thể nhìn thấy sự cộng tác tương tự trong các nước Châu Âu và Bắc Mỹ.
Khi các quốc gia đang tìm kiếm đối tác, họ sẽ cân nhắc tới một vài yếu tố. Trong đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát cùng với các số liệu tin cậy là một trong những yếu tố hàng đầu. Họ sẽ có xu hướng tiếp cận trong khu vực hoặc các quốc gia có mối quan hệ tốt trước.
Khảo sát cho thấy du khách Trung Quốc có xu hướng thích những nơi quen thuộc gần gũi và không quá xa, Bill Barnett, giám đốc công ty tư vấn khách sạn toàn cầu C9 Hotelworks cho hay.
Điều này có nghĩa là Thái Lan, đất nước thu hút hớn 11 triệu du khách Trung Quốc mỗi năm, sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên mở đón khách Trung Quốc.
Mở cửa lại biên giới
Các chuyên gia nhận định rằng mọi người sẽ ưu tiên di chuyển trong khu vực. Điều đó đồng nghĩa với các chuyến đi từ Mỹ đến châu Á sẽ còn khá lâu mới được phục hồi.
"Cho đến khi họ nhận thấy tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã được kiểm soát, không quốc gia nào hoặc rất ít quốc gia tiếp nhận khách du lịch Mỹ. Những nơi khác không kiểm soát được tình hình dịch bệnh cũng sẽ phải chờ đợi 1 thời gian", Hardy cho hay.
Sau dịch COVID-19, các sân bay sẽ chú trọng vào việc kiểm tra sức khỏe của hành khách hơn.
Với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nền du lịch, họ sẽ cần phải cân bằng giữa lo ngại về sức khoẻ và kinh tế. Nhưng ngay cả khi họ cảm thấy áp lực về việc mở cửa hành lang du lịch, cũng không có nghĩa rằng sẽ có nhiều khách du lich.
"Nếu một quốc gia muốn mở cửa du lịch, nhưng không ai cảm thấy an tâm khi đi thì kế hoạch này cũng sẽ không hiệu quả", Sobie nhận định.
Vì vậy, ngoài hành lang du lịch vẫn cần thêm các chiến lược du lịch khác.
Thái Lan đang cân nhắc mở cửa một số khu vực nhất định với du khách nước ngoài, điều này có nghĩa rằng du khách sẽ tới du lịch tại một khu biệt lập như 1 hòn đảo chẳng hạn.
"Điều này sẽ có lợi cho cả khách du lịch và người dân địa phương, vì đây gần giống như một loại hình du lịch cách ly", Bộ trưởng bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan, Yuthasak Supasorn cho hay.
Tuy nhiên sức thu hút của các ý tưởng trên còn phụ thuộc vào chính sách của các nước. Nếu như du khách Australia vẫn phải cách ly 2 tuần sau khi trở về từ Thái Lan, thì họ có thể sẽ không thích thú với gói nghỉ dưỡng ở đảo trên.
Trong khi đó, các quốc gia vốn thu hút nhiều du học sinh nước ngoài có thể cân nhắc nới lỏng quy định. New Zealand đang cân nhắc cho phép sinh viên quốc tế quay trở lại nếu họ hoàn thành 2 tuần cách ly.
Sau vụ khủng bố 11/9, các sân bay trên thế giới đều thắt chặt an ninh, tăng cường các biện pháp an toàn. Các chuyên gia dự kiến dịch COVID-19 cũng sẽ tạo ra làn sóng tương tự nhưng tập trung vào sức khoẻ nhiều hơn.
Câu hỏi được đặt ra rằng các biện pháp ấy sẽ ra sao?
Hành khách sẽ được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay hoặc xét nghiệm trước khi lên máy bay. Nhưng các cơ quan chức năng cần thực sự cảm thấy an tâm rằng các kit xét nghiệm nhanh và chính xác, và ước lượng xem hành khách cần được xét nghiệm bao lâu trước khi lên máy bay.
Chúng ta sẽ không còn du lịch theo cách cũ nữa.
Ngoài ra, hình thức cấp "hộ chiếu miễn dịch" cũng đang được nhiều quốc gia cân nhắc.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đưa ra hình thức đánh giá sức khoẻ thông qua "hộ chiếu miễn dịch". Công dân Trung Quốc mang mã QR thay đổi màu sắc tuỳ theo tình trạng sức khoẻ khi muốn vào nhà hàng hay trung tâm mua sắm.
Tuy vậy, ý tưởng hộ chiếu miễn dịch vẫn còn nhiều hạn chế. Ý tưởng này hoạt động với cơ chế người bị nhiễm COVID-19 sẽ hoàn toàn không bị lây nhiễm trở lại.
Điều gì đang chờ đợi ngành du lịch ở phía trước?
Giới chuyên môn vẫn đang băn khoăn không biết điều gì đang chờ đợi ngành du lịch ở phía trước. Nhiều người như chuyên gia Barnet tỏ vẻ vô cùng lạc quan rằng cuối cùng mọi việc sẽ trở lại bình thường.
"Tôi không nói rằng việc đó sẽ xảy ra vào hôm nay hay ngày mai, nhưng chắc phải 2 năm nữa mọi việc mới có thể trở lại bình thường", ông cho hay.
Nhiều người khác thì lại cho rằng đây giống như là một cơ hội để khởi động lại, để xử lý các vấn đề tồn tại lâu trong ngày du lịch như ảnh hưởng của việc quá tải du lịch tới văn hoá và môi trường địa phương.
"Có nhiều người giống như tôi cho rằng chúng ta cần nhìn lại mọi thứ", Freya Higgins-Desbiolles, giảng viên tại trường đại học South Australia cho hay. Cô muốn chứng kiến một ngành du lịch chậm hơn, suy ngẫm kỹ càng hơn, không chỉ có lợi cho khách du lịch, mà còn đem lại lợi cho nền kinh tế và người dân địa phương.
Tuk tuk vắng khách thời COVID-19.
Niwet Phumiwetsoonthorn, lái xe tuk-tuk trên đường Khao San chia sẻ với phóng viên CNN rằng thu nhập hàng ngày của anh giảm từ 70 USD xuống còn 2USD, hoặc thậm chí không có gì. Anh ấy không còn tiền để gửi về cho vợ con sinh sống tại tỉnh thành khác.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, Niwet phải xếp hàng xin thức ăn.
"Tôi không thể dành cả ngày ở trong phòng và xem tin tức trên tivi. Điều đó càng khiến tôi lo lắng. Tôi vẫn cùng đồng nghiệp đưa xe ra đường chờ mỗi ngày mặc dù không có khách. Chúng tôi động viên nhau cùng vượt qua những ngày tháng khó khăn này", Niwet chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!