Lúa được mùa được giá

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 22/02/2022 20:38 GMT+7

VTV.vn - Xuất khẩu gạo tháng 1 đạt trị giá gần 250 triệu USD, tăng cả về lượng và giá trị. Đây là cơ sở để người trồng lúa ở ĐBSCL có một vụ thu hoạch được mùa được giá.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1 vừa qua đạt trị giá gần 250 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, kết quả này tăng tới hơn 45% về lượng và gần 30% về giá trị.

"Thời điểm này, giá lúa tăng vài trăm đồng. Qua đợt dịch này, bà con rất phấn khởi, năng suất cao hơn năm vừa qua", ông Trần Văn Guôl chia sẻ.

"Chúng tôi khuyến cáo bà con xuống giống sớm để thu hoạch sớm. Đối với vùng tiếp giáp vùng mặn thì phải thu hoạch trước Tết Nguyên đán và một số diện tích chuyển sang lúa ngắn ngày", ông Tô Thanh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, cho biết.

Lúa được mùa được giá - Ảnh 1.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đạt mức trên 6 triệu tấn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Nhờ chủ động xuống giống né hạn mặn, nên năm nay tại ĐBSCL, cả diện tích lúa mùa và Đông Xuân sớm cho năng suất khá tốt. Giá lúa cũng đang tăng từ 200 - 300 đồng, lên mức 5.400 - 7.600 đồng/kg, tăng mạnh ở nhóm lúa thơm, đặc sản. Đến nay, ĐBSCL thu hoạch được hơn 400.000 ha, đạt khoảng 30% diện tích lúa Đông Xuân.

Xuất khẩu gạo đón đầu cơ hội tăng mạnh trong tháng 3

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo sẽ tăng mạnh từ tháng 3 khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ. Các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... nhu cầu nhập khẩu bắt đầu cao. Ngay từ đầu năm, vựa lúa gạo lớn nhất nước đã đón đợi cơ hội này bằng một chiến lược thị trường bài bản.

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất hàng đi 5 quốc gia. Tuy số lượng không lớn nhưng là một khởi đầu đầy thuận lợi. Gạo thơm, gạo chất lượng cao được các đối tác nước ngoài mua từ 600 - 1.000 USD/tấn.

"Gạo của chúng tôi đang bán ở Liên minh châu Âu với giá ngang ngửa gạo Thái Lan", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay.

Ngoài thị trường truyền thống, châu Âu đang hứa hẹn có nhiều tiềm năng và giá bán cao. Với khoảng 22.000 ha đất trồng lúa chất lượng cao, tỉnh An Giang đang nỗ lực cấp mã code vùng trồng để doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi sang thị trường này.

"Với việc cấp mã số vùng trồng cùng với việc đào tạo cho nông dân và liên kết với doanh nghiệp thì đây sẽ là nền tảng để chúng ta sản xuất lúa gạo ổn định và bền vững", Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhận định.

Mới đây, tỉnh Kiên Giang và An Giang đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng vùng lúa chất lượng cao lên đến 30.000 ha chuyên xuất khẩu Mỹ và châu Âu.

Theo Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo năm và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Xuất khẩu gạo hứa hẹn sẽ có một năm tăng trưởng về lượng và chất nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thời cơ này.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đạt mức trên 6 triệu tấn, tương đương hai năm liền trước. Tuy nhiên về mặt giá trị sẽ có sự khác biệt khi các doanh nghiệp lớn như: Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Xuất khẩu gạo dự báo nhiều đột phá trong năm 2022 Xuất khẩu gạo dự báo nhiều đột phá trong năm 2022

VTV.vn - Gạo là một trong những mặt hàng được các quốc gia tăng dự trữ. Do đó, năm mới dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước