Hiệp hội Dệt may lo ngại, việc can thiệp chính sách quá nhiều như vậy có nguy cơ phản tác dụng.
Công ty Nhật Hoa có hơn 200 cán bộ công nhân viên, với mức thu nhập bình quân là 5 - 6 triệu đồng/tháng. Theo quy định mới về đóng bảo hiểm thì từ đầu năm sau, mỗi lao động ở đây sẽ phải đóng thêm gần 600.000 đồng bảo hiểm mỗi tháng. Còn với công ty, gánh nặng tài chính cũng sẽ tăng lên.
Bà Phạm Thị Hoài Giang, Giám đốc thương hiệu Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nhật Hoa: ‘Chi phí của chúng tôi sẽ tăng gấp 2-3 lần, người lao động thì phải trích thêm tiền từ quỹ lương của họ, như thế rất khó cho chúng tôi trong việc động viên, khuyến khích họ làm thêm giờ’.
Từ đầu năm 2016, căn cứ đóng BHXH là tiền lương, phụ cấp lương. Và hai năm sau đó thì là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong khi trước đây, tiền bảo hiểm xã hội chỉ đóng theo tiền lương cơ bản.
Trong ngành may, cơ cấu về tiền lương chiếm tỷ lệ rất cao, nếu doanh nghiệp có đầu tư thiết bị và cải tiến tổ chức sản xuất thì ước tính, năng suất lao động cũng chỉ tăng cao nhất là 6%, không bù lại được cho sự sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp do tăng lương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: ‘Doanh nghiệp chúng tôi một năm có từ 400-500 tỷ đồng tiền lương, nhưng lợi nhuận chỉ có 60 tỷ đồng, tức là chỉ cần 2 tháng hoặc chưa đến 1 tháng doanh nghiệp chưa có tiền trả lương thì doanh nghiệp lập tức bị đóng cửa’.
Đại diện Hiệp hội Dệt may lo ngại rằng, việc can thiệp chính sách quá nhiều như vậy có nguy cơ phản tác dụng, vì sẽ thu hẹp nguồn thu của Nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!