Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua, trong đó, nội dung liên quan đến thu hồi và bồi thường cho người dân nhận được nhiều sự quan tâm.
Nhìn lại quá trình luật được lấy ý kiến, có đến 2,1/12,1 triệu lượt ý kiến liên quan đến nội dung thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, chiếm tỷ lệ hơn 17%.
Về câu chuyện bồi thường, tái định cư, vướng mắc lớn nhất khiến các dự án dang dở trong suốt những năm qua là do không thống nhất được đơn giá đền bù.
Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất. Theo đó, bảng giá đất được xây dựng hằng năm. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp các bên tìm được tiếng nói chung.
Đường Nguyễn Duy Trinh tại TP. Thủ Đức là một trong những tuyến đường thuộc dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đi qua. Trong khi 3 địa phương là Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh gần như đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, TP. Thủ Đức mới đạt khoảng 92%. Phần diện tích còn lại chủ yếu vướng nằm ở các hộ chưa đồng thuận về mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, khiến mặt bằng thi công một số đoạn chưa thông suốt. Đây là thách thức lớn mà dự án đang gặp phải.
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao Luật Đất đai 2024 với hàng trăm quy định mới so với trước đây, trong đó có quy định về việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
Cụ thể, công tác thu hồi, đền bù phải theo cơ chế thị trường, bồi thường ngang giá với giá trị đất bị thu hồi. Điều này được kỳ vọng tháo gỡ cho hàng loạt dự án đầu tư công trên khắp cả nước đang bị vướng giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, quy định mới thực hiện tái định cư cho người dân.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - cho biết: "Luật Đất đai 2024 quy định phương án tái định cư cho người có đất bị thu hồi là phải được thông qua phê duyệt trước khi ban hành quyết định thu hồi đất. Và khu tái định cư phải thực hiện đúng chủ trương của Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương là khu tái định cư đó phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
Tính riêng TP. Hồ Chí Minh, hiện có nhiều dự án lớn đang chờ giải phóng mặt bằng như: vành đai 2, tuyến Metro số 2, cầu đường Nguyễn Khoái nối quận 1, quận 4 qua quận 7…
Theo giới chuyên gia, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng sát giá thị trường không chỉ là chìa khoá quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mà còn tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một nguyên tắc xuyên suốt trong Luật Đất đai (sửa đổi) là khi người dân đồng thuận, nhận được tiền đền bù, được bố trí chỗ tạm cư, được hỗ trợ tái định cư thì lúc đó Nhà nước mới ban hành quyết định thu hồi.
Cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đã được Quốc hội thông qua vào cuối năm ngoái, Luật Đất đai (sửa đổi) đã tạo ra sự hoàn thiện đồng bộ với thể chế pháp luật liên quan tới hoạt động đất đai và kinh doanh bất động sản. Những quy định chặt chẽ về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được kỳ vọng sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi, tháo gỡ vướng mắc cho hàng loạt dự án chậm triển khai suốt nhiều năm.
Luật Đất đai mới hài hòa lợi ích các bên VTV.vn - Luật Đất đai mới vừa được thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 với rất nhiều điểm mới và nhận được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!