Áp lực từ COVID-19 thời gian qua càng thôi thúc sớm hình thành những cơ chế đột phá để thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn, cả từ khu vực công và khu vực tư nhân, nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Khi nhắc tới đầu tư công, một điển hình là TP.HCM, một trong những địa phương thường xuyên có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Mà trong đó, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là giải phóng mặt bằng. Song từ đầu năm nay, đã có những giải pháp đột phá để tập trung tháo gỡ khâu này.
Thực tế cho thấy, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TPHCM là gần 3.500 tỷ đồng, đạt khoảng 20% tổng kế hoạch vốn do Ủy ban giao, dù còn ít so với kỳ vọng, nhưng con số này cũng đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 - dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của TP.HCM, khi hoàn thành sẽ nối liền Quận 1 và Quận 2, góp phần giải tỏa áp lực giao thông xung quanh khu vực.
Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2020. Tuy nhiên, đến nay phải dời đến cuối năm nay mới có thể hợp long.
"Trong thời gian thi công, chúng tôi vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Hiện chúng tôi đang cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ của dự án như phân tích dự án và các nguồn lực cần thiết, các công nhân hầu như làm cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành hợp long cầu chính vào tháng 10, hoàn tất căng dây cáp vào tháng 11 và thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2020", ông Geoff McKinnirey - Giám đốc Dự án cầu Thủ Thiêm 2 cho biết.
Và để đạt tiến độ như kỳ vọng, phụ thuộc rất lớn vào khâu giải phóng mặt bằng, khi phần 2 nhánh phụ của dự án lại chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Để giải quyết vấn đề này, UBND.TP.HM đã kiến nghị Thủ tướng cho thực hiện thí điểm rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng xuống còn 1/3 so với quy định hiện hành, trên cơ sở chủ động của Thành phố.
Trước mắt, UBND TP.HCM cũng đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường hoàn thành kế hoạch triển khai quy trình mới này trong tháng 6.
"Chúng tôi đã chỉ đạo các ban quản lý phải chủ động phối hợp với các quận huyện hàng tuần rà soát tiến độ giải phóng mặt bằng; những vấn đề nào nghẽn, những vấn đề nào khó khăn sẽ kịp thời xử lý", ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Trong năm 2020, UBND TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố là gần 34.000 tỷ đồng. Nếu tiến độ giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh, dự kiến đến tháng 6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn sẽ vượt qua con số 40%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm ngoái, có tổng cộng 336 dự án đầu tư theo hình thức PPP được ký kết, với tổng vốn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm ngoái, có tổng cộng 336 dự án đầu tư theo hình thức PPP được ký kết, với tổng vốn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, nếu luật PPP được ban hành, con số này sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần trong những năm tới.
Đáng chú ý theo theo Fitch Solutions, nếu không có luật PPP, trong 10 năm tới, tăng trưởng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ đạt bình quân 6,1%/năm, thấp hơn tăng trưởng nền kinh tế. Nhưng nếu có luật PPP, con số này sẽ lên tới 7 - 9%/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!