Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 08 sửa đổi Thông tư 22, trong đó cho phép lùi thêm 1 năm việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Theo đó, tỷ lệ này vẫn sẽ được duy trì ở mức 40% đến đầu tháng 10 năm sau.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình cung vốn ra thị trường. Tuy nhiên, đối với các dự án BOT giao thông thường có thời gian vay vốn trong vài chục năm, liệu nút thắt tín dụng có được nới ra thêm hay không? Đặc biệt là các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đang được gấp rút triển khai để kịp tiến độ.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 08 sửa đổi Thông tư 22, trong đó cho phép lùi thêm 1 năm việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Theo quy định mới, Ngân hàng Nhà nước cho phép lùi thêm 1 năm áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vẫn ở mức 40% thay vì 37%, giới phân tích cho rằng sẽ tạo thêm cơ hội và dư địa vốn để các ngân hàng cung ứng vốn ra thị trường.
Đã lọt qua sơ tuyển và đang làm hồ sơ thầu cả 5 dự án thành phần PPP của cao tốc Bắc - Nam, đại diện Công ty Cienco 4 cho rằng, việc các ngân hàng chưa phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đồng nghĩa sẽ có thêm cơ hội cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư các dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng có "gật đầu" cho vay hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào tính khả thi trong phương án tài chính của các dự án.
Thi công trên cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn. (Ảnh: Báo Tin tức)
Trong khi đó, theo đại diện Công ty Đèo Cả, doanh nghiệp này đang tham gia hai dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, nhưng một dự án hiện đã bị ngân hàng từ chối tài trợ vốn vì không hiệu quả. Dự án còn lại đang nghiên cứu, đàm phán nhưng cũng rất khó khăn bởi các ngân hàng vẫn đang phải tuân thủ quy định siết tín dụng đối với các dự án BOT giao thông được Ngân hàng Nhà nước đưa ra vào năm 2019.
Cũng theo các chuyên gia, đối với lĩnh vực BOT giao thông thường có lượng vốn lớn, thời gian cho vay dài và năng lực của chủ đầu tư hạn chế, các ngân hàng vẫn khó dám "mạnh tay" cho vay vì còn không ít rủi ro tiềm ẩn như giai đoạn trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!