Thời gian gần đây, dư luận đang nhắc nhiều đến một loại cây được mệnh danh là nữ hoàng của các loại quả khô và có tiềm năng trở thành một loại cây tỷ đô cho người nông dân Việt Nam đó là cây mắc ca. Vào cuối tuần qua, trong buổi hội thảo "Chiến lược phát triển cây mắc ca" tại Tây Nguyên, loại cây này đã được nhấn mạnh là sẽ trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, nhằm phát triển kinh tế xã hội của vùng đất cao nguyên. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, các chuyên gia trong ngành cũng đã bày tỏ một số băn khoăn nhất định.
Mắc ca là tên gọi phiên âm từ maccadamia, một loại cây thân gỗ lấy hạt có nguồn gốc từ Úc. So với các loại cây lấy hạt khác như hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng... thì mắc ca có giá trị dinh dưỡng vượt trội. Đồng thời, quả mắc ca hiện nay được ứng dụng rất rộng rãi trong công nghiệp mỹ phẩm và thực phẩm chức năng nên nhu cầu về loại quả này ngày một cao. Sau hơn 10 năm đưa vào trồng tại Việt Nam, đến nay, cả nước đã có khoảng 2.000ha mắc ca ở Tây Nguyên và Tây Bắc.
Tuy nhiên, để cây mắc ca có thể thực sự trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, một số nhiệm vụ cũng cần phải giải quyết. GS.TS Bùi Chí Bửu – Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam cho biết, ở trong nước, hiện thông tin về cây mắc ca còn chưa đầy đủ về cả mặt khoa học lẫn hiệu quả kinh tế. Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam cũng chưa thực hiện được nghiên cứu chính xác về loại cây này khi đem về trồng tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, người dân cũng cần thận trọng, không nên quá vội vàng vì Tây Nguyên vốn có thế mạnh lâu năm là cà phê, cao su, hồ tiêu. Người dân có thể đưa cây mắc ca vào trồng, nhưng phải làm sao quy hoạch được chặt chẽ, cụ thể để tránh tình trạng bà con vội vàng chặt - trồng, sẽ có nguy cơ thất bại.
Một số doanh nghiệp trồng cà phê vẫn tin rằng, trong thời gian sắp tới, cây mắc ca khó có thể lập tức thay thế ngay được cây cà phê ở vùng Tây Nguyên.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.