Mận hậu và xoài Sơn La lên sàn thương mại điện tử

Vân Anh-Thứ sáu, ngày 28/05/2021 20:10 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ vải thiều, hai đặc sản của Sơn La là mận hậu và xoài tròn Yên Châu cũng chính thức lên sàn thương mại điện tử.

Ngày 28/5, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh tổ Sơn La đã tổ chức 2 sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm: "Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ nhãn, xoài Sơn La năm 2021" và Hội nghị "Bàn giao sản phẩm xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021".

Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại, sàn thương mại điện tử Shopee, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn thương mại điện tử Postmart) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử.

Cũng trong ngày 28/5, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của Sơn La chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee. Sản phẩm sẽ được phân phối tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Mận hậu và xoài Sơn La lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Xoài tròn Yên Châu - đặc sản của Sơn La.

Trên Postmart, mận Mai Sơn - đặc sản Sơn La - được bán với giá 450.000 đồng một túi 30 kg. Theo giới thiệu, năm nay thời tiết thuận lợi, lại được chăm sóc tốt nên quả to, mẫu mã đẹp, vị chua dôn dốt, đặc biệt mận rất róc hạt. Bên cạnh đó, mận Tà Lọng (Mộc Châu) có giá 150.000 đồng túi 10 kg.

Ngoài mận hậu, xoài tượng Yên Châu của Sơn La cũng được bán trên Postmart với giá 525.000 đồng một túi 30 kg.

Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.

Tỉnh Sơn La hiện là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 trên cả nước với gần 73.000 ha. Nhiều sản phẩm trái cây của tỉnh không chỉ tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu tới nhiều thị trường lớn và uy tín trên thế giới.

Hiện Sơn La đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch một số loại cây ăn quả chính vụ như mận, nhãn, xoài với sản lượng hàng trăm nghìn tấn. Tuy nhiên dịch COVID-19 đã khiến việc tiêu thụ hàng hóa của tỉnh đang gặp khó khăn do việc xuất khẩu và lưu thông hàng hóa bị hạn chế.

Vì vậy, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trong thời gian tới, Cục sẽ đẩy mạnh hợp tác với các sàn thương mại điện tử để vừa kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn, vừa từng bước hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả sản phẩm nông sản cho các địa phương thông qua kênh này. Bởi việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn thương mại điện tử còn gặp nhiều thách thức như: năng lực về thương mại điện tử của các hợp tác xã, bà con nông dân còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin còn thiếu, đặc biệt những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường vẫn còn khá xa lạ.

Đại diện công ty Shopee cho biết, trong khuôn khổ hợp tác với Cục Xúc Tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Sơn La, Shopee đẩy mạnh phối hợp với các đối tác trong chuỗi cung ứng triển khai các hoạt động quảng bá, tiêu thụ hai sản phẩm nông sản nổi tiếng của tỉnh Sơn La.

"Trong năm nay và những năm sắp tới, Shopee sẽ gia tăng triển khai các dự án kết nối cộng đồng, tạo cơ hội cho người nông dân trên khắp các tỉnh thành cả nước tiếp cận, mở rộng phương thức kinh doanh, gia tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống", đại diện công ty Shopee khẳng định.

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, Cục Xúc tiến thương mại lên kế hoạch phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hóa, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream).

Mận hậu và xoài Sơn La lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Lễ cắt băng đưa sản phẩm xoài Sơn Lan lên sàn và xuất khẩu.

Bà con nông dân sẽ được đào tạo tập huấn, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng qua livestream, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng, yêu cầu thị trường, từ đó tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Lê Quốc Anh cho hay, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao năng lực chuyển đổi số, đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương lên sàn thương mại điện tử.

"VNPost sẽ hoàn thiện một hệ sinh thái khép kín để đồng hành cùng người dân chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, góp phần xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, quốc gia số", ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh.

Trước đó, Cục Xúc tiến thương mại đã thiết lập Gian hàng "Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại" trên các sàn như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm tiềm năng của các tỉnh thành trên toàn quốc.

Trước xoài và mận Sơn La, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) cũng được giới thiệu và bán trên sàn thương mại điện tử. Sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử Lazada từ ngày 14/5. Mỗi ngày, Lazada tiêu thụ trung bình khoảng 2 tấn vải thiều.

Ngày 24/5, vải thiều Hải Dương tiếp tục được bán trên các sàn thương mại điện tử Sendo. Sau 3 ngày, Sendo đã bán được 14 tấn vải, vượt kế hoạch đề ra ban đầu là bán 12 tấn vải trong 4 ngày.

Ngoài vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang cũng sẽ được đưa lên kệ hàng online của một số sàn thương mại điện tử trong nước và sàn quốc tế như Alibaba, Amazon.

Vải thiều Việt Nam hứa hẹn 'được mùa' ở Nhật Vải thiều Việt Nam hứa hẹn "được mùa" ở Nhật

VTV.vn - Tình hình xuất khẩu và tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Nhật Bản năm 2021 được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước