Sơn La có 100 nghìn tấn xoài, mận… đang cho thu hoạch, 100 nghìn tấn nhãn cũng sắp vào vụ. Hải Dương, Bắc Giang cũng có tới 340 nghìn tấn vải bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 5 này.
Điểm chung của những loại nông sản trên là thời vụ ngắn, sản lượng nhiều, nên áp lực tiêu thụ là rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, thì việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ… không được thuận lợi như mọi năm.
Nhận thức được điều này, nhiều nhà xuất khẩu đã lên phương án, chuẩn bị từ sớm, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đạt được mục tiêu kinh doanh.
Các doanh nghiệp tiêu thụ vải chuẩn bị nhiều phương án để đối phó với COVID-19
Như một doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu vải vào Nhật Bản, Singapore tổng sản lượng 1 nghìn tấn vải xuất vào Nhật Bản, Singapore. Chưa năm nào họ có đơn hàng lớn như vậy, nên ngay từ rất sớm các phương án đã được chuẩn bị ứng phó. Một mặt công ty này liên kết chặt với vùng nguyên liệu, để đảm bảo việc thu hái đảm bảo an toàn dịch bệnh, một mặt chuẩn bị phương tiện, lái xe ở trong và ngoài vùng dịch để có thể vẫn vận chuyển được hàng ra chế biến đóng gói xuất khẩu.
"Chúng tôi lên rất nhiều phương án dự phòng trong bối dịch bệnh bùng phát như phải có xe chuyển giao giữa vùng dịch và ngoài dịch", bà Ngô Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chủ động làm việc với hãng tàu lớn để chủ động lịch vận chuyển, tránh hiện tượng thiếu container rỗng hoặc ùn ứ tại các cảng biển quốc tế.
Kịch bản tiêu thụ vải
Các địa phương như Hải Dương, Sơn La và mới nhất là Bắc Giang đã đưa ra kịch bản tiêu thụ nông sản ứng phó với những mức độ diễn biến của dịch COVID-19. Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang nơi chiếm tới 50% sản lượng vải của cả nước đã đề ra các kịch bản chi tiết.
Kịch bản 1: Vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước và 50% xuất khẩu. Dịch bệnh được kiểm soát.
Kịch bản 2: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước và 30% xuất khẩu. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát.
Kịch bản 3: Vải thiều sẽ chủ yếu được tiêu thụ nội địa. Dịch bệnh ảnh hưởng toàn diện, xuất khẩu đóng băng. Năm nay, sản lượng vải của riêng tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Năm 2020, tổng giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ… ước đạt 6 nghìn 830 tỷ đồng.
Những kịch bản tiêu thụ vải đã được lên phương án
Bên cạnh chủ động lên kịch bản ứng phó tiêu thụ nông sản, thì tại các vùng trồng đang tập trung cao độ để xây dựng và bảo vệ "vùng vải an toàn không COVID-19". Rất nhiều biện pháp được kích hoạt, triển khai đồng loạt nhằm đảm bảo an toàn từ chất lượng quả, quy trình thu hái, đóng gói cho đến vận chuyển.
Như tại vùng vải Tân Yên, Bắc Giang, toàn huyện có hơn 1.300 ha vải, chủ yếu là vải sớm với sản lượng ước đạt 14.000 tấn. Để xây dựng vùng vải an toàn, không bị ảnh hưởng bởi COVID-19, địa phương này đã lập 7 chốt kiểm soát ra vào vùng vải. Huyện cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm loại bỏ những yếu tố nguy cơ liên quan đến dịch COVID-19 ra khỏi vùng sản xuất vải tập trung, đặc biệt trú trọng tại những mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
"Toàn bộ những người tham gia khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói... được chúng tôi quản lý, giảm sát chặt chẽ để ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh trong vùng vải. Với lái xe, chủ hàng khi vận chuyển hàng đi tiêu thụ ra tỉnh ngoài thì chúng tôi cho lấy mẫu xét nghiệm. Có kết quả âm tính mới vận chuyển ra bên ngoài", ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Bắc Giang cho biết.
Những ngày này, dù thời điểm thu hoạch chưa đến nhưng gần 100 tấn vải đã có hợp đồng thu mua. Hàng chục thương nhân đang triển khai đặt điểm cân tại địa phương. Dự kiến trong ngày 26/5 tới đây sẽ xuất hành lô vải thiều sớm đầu tiên của Bắc Giang xuất khẩu Nhật Bản.
Bắc Giang đề nghị các địa phương cho phép phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hoá thiết yếu thông thương qua các cửa khẩu cũng như được lưu thông qua các tỉnh, thành phố 1 cách thuận lợi (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Hôm 19/5, trong văn bản của tỉnh Bắc Giang gửi Thủ tướng, các bộ, ngành và tỉnh, thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tiêu thụ nông sản của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.
Để đảm bảo "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", tỉnh Bắc Giang đề nghị các địa phương cho phép phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hoá thiết yếu của Bắc Giang thông thương qua các cửa khẩu cũng như được lưu thông qua các tỉnh, thành phố 1 cách thuận lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!