Mận Sơn La vào vụ thu hoạch
Thời điểm này, các vùng trồng mận ở Sơn La đang vào chính vụ thu hoạch. Với hơn 12.400 ha mận hậu, năm nay sản lượng mận ước đạt 96.000 tấn. Niềm vui đến với bà con trồng mận khi mà mận Sơn La có giá bán cao ngay từ đầu vụ. Dự báo, thị trường tiêu thụ ổn định khi địa phương đang dần chuyển đổi sang trồng mận chất lượng cao.
Vườn mận nhà anh Lò Văn Huy (xã Yên Sơn, Yên Châu, Sơn La) có gần 500 cây. Thời điểm này mận chính vụ đang cho thu hoạch. Anh Huy cho biết, mọi năm, mận ra hoa và đậu quả tới 70 - 80%. Tuy nhiên năm nay thời tiết không thuận kèm theo đó lại hạn hán nên sản lượng giảm nhiều. Tại vườn nhà anh, tỷ lệ đậu quả chỉ còn một nửa
"Cây mận thì cần có nước. Năm nay do thiếu nước nên sản lượng nhà tôi bị giảm. Năm ngoái được 20 tấn quả, năm nay chỉ đạt 1/4", anh Huy cho biết.
Thời điểm này, các vùng trồng mận ở Sơn La đang vào chính vụ thu hoạch.
Diện tích trồng mận của gia đình bà Lương Thị Hồng (xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La) lên tới gần 6 ha trên đồi cao có đầu tư bể chứa nước và hệ thống tưới tiêu tự động. Giống như nhà anh Huy và bà con trong vùng, vườn mận của nhà bà năm nay sản lượng cũng sụt giảm. Tuy nhiên theo bà Hồng, giá mận năm nay lại cao gấp đôi năm ngoái .
"Hạn hán mất mùa thì số lượng mận tụt đi nhưng giá cả lại cao hơn năm ngoái", bà Hồng nói.
Ông Bùi Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La cho biết: "Vụ 2023 thì toàn xã đạt 25.000 tấn mận. Tuy nhiên, năm nay do nắng nóng kéo dài nên sản lượng giảm khoảng 50%. Sản lượng năm nay ước đạt 15.000 tấn. Giá năm nay thì ổn định".
Theo những người trồng mận, hiện mận chính vụ đang cho thu hoạch và dự kiến sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 6 .
Năm nay do thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng mận Sơn La giảm nhưng giá bạn mận lại cao ngay từ đầu vụ thu hoạch.
Đa dạng hình thức tiêu thụ nông sản chính vụ
Trái mận ở Sơn La hiện nay đang được trồng theo quy trình Vietgap, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe. Nhờ vậy từ năm ngoái, thương hiệu mận hậu Ruby Sơn La đã xuất khẩu đến nhiều nước. Ngoài việc tiêu thụ quả tươi, các doanh nghiệp thu mua và chế biến mận thành các sản phẩm khác như mứt mận, mận hậu sấy dẻo, sấy khô, siro mận hậu. Đa dạng hình thức tiêu thụ là cách giảm áp lực thời vụ và để mở rộng thị trường cho trái mận.
Thời điểm mận hậu đang bước vào vụ thu hoạch chính, các thương lái tới tận vùng trồng để thu mua. Bán hàng livetream, bán lẻ cho các cửa hàng trái cây sạch, bán làm quà biếu nhưng hình thức bán buôn vẫn là chủ yếu. Theo một số thương lái, năm nay do sản lượng mận giảm nên đầu vụ, mỗi ngày thu mua khoảng 2 tấn. Thời điểm này mận rộ nên lượng thu mua tăng gấp nhiều lần.
Bà Đinh Thi Nga - Nhà vườn Nga Sơn, Sơn La chia sẻ: "Mỗi ngày tôi đi khoảng 10 tấn, lúc rộ có thể lên đến 14 tấn. Lượng tiêu thụ đơn lẻ không nhiều mà chủ yếu là các chợ đầu mối. Tôi chuyển mận đi các tỉnh thành trên cả nước cả Bắc Trung Nam".
Trái mận ở Sơn La được trồng theo quy trình Vietgap, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe.
Thực hiện kết nối giao thương với các tỉnh Tây Bắc, năm nay, Saigon Co.op dự kiến tiêu thụ 100 tấn mận hậu Sơn La được thu hoạch từ huyện Mộc Châu, Yên Châu thông qua hệ thống 800 điểm bán của hệ thống.
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: "Với các giải pháp xúc tiến tiêu thụ cùng với hệ thống nhất là hệ thống của Việt Nam lan tỏa trong tiêu thụ sản phẩm mận sẽ đi khắp cả nước. Và từ các giải pháp này, cách thức này cũng với các giải pháp khác nữa đó là tổ chức sản xuất, chế biến sâu ra các sản phẩm mận sấy thì chúng tôi tin tưởng niên vụ này Sơn La sẽ hoàn toàn tiêu thụ hết 96.000 tấn mận".
Chế biến sâu giúp nâng cao giá trị cũng như kéo dài thời gian trái mận. Hiện nhiều doanh nghiệp, hơp tác xã thu mua và chế biến thành các sản phẩm khác như mứt mận, mận hậu sấy dẻo, sấy khô, siro mận hậu...
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Giám đốc HTX Tây Bắc, Sơn La cho biết: "Vẫn là cái bài toán được mùa thì lại mất giá. Chính vì thế hợp tá xã của chúng tôi đã nêu ra ý tưởng đó là sản xuất sau thu hoạch để giúp bà con. Trung bình mỗi vụ, tôi mua trên 50 tấn các loại mận. Đến cuối năm chúng tôi hoàn toàn có mận sấy dẻo bán ra thị trường".
Niềm vui đến với bà con trồng mận khi mà mận Sơn La có giá bán cao ngay từ đầu vụ.
Tỉnh Sơn La có 12.400 ha mận hậu, sản lượng năm nay ước đạt 96.000 tấn. Nhãn hiệu "Mận Sơn La" đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2021 với một số sản phẩm chất lượng cao như Mận Pu Nhi, huyện Sông Mã; mận Ruby, huyện Mộc Châu và mận Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.
Không chỉ có trái mận, Sơn La còn nổi tiếng với nhiều loại trái cây khác và cũng là vùng trọng điểm cây ăn quả của miền Bắc. Thời gian tới đây sẽ có 62.000 tấn chuối được thu hoạch, xoài dự kiến đạt trên 77.700 tấn, nhãn dự kiến đạt 81.000 tấn. Việc tăng cường chế biến sẽ là hướng đi để tăng giá trị cho nông sản, đồng thời giúp giải quyết bài toán về tiêu thụ sản lượng lớn trong mùa vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!