Tuần qua, thị trường đón nhận sự ra mắt đình đám của mạng xã hội Lotus. Một phần khiến mạng xã hội này được quan tâm là nó ra đời ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhiều lần kêu gọi xây dựng các mạng xã hội trong nước để cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài, không để mạng xã hội nước ngoài thu thập toàn bộ thông tin về người Việt.
Sự xuất hiện của Bộ trưởng tại buổi ra mắt Lotus thể hiện sự ủng hộ lớn với mạng xã hội này. Lễ ra mắt được tổ chức hoành tráng với sự xuất hiện của nhiều KOL và nhiều tên tuổi trong giới sản xuất nội dung. Số vốn đầu tư ban đầu hơn 1.200 tỷ đồng và thông tin về sự hậu thuẫn của một Tập đoàn hàng đầu Viêt Nam cũng đã thu hút được sự chú ý cho mạng xã hội này. Tuy nhiên, sự hào hứng và tò mò mới là sự khởi đầu. Con đường trước mắt của các mạng xã hội Made in Vietnam như Lotus sẽ không đơn giản.
Bài học lịch sử từ các mạng xã hội của Việt Nam
Nếu nhìn lại bài học lịch sử, có rất nhiều mạng xã hội Việt Nam từng "thách đấu" với "quái vật" Facebook và đều phải thất bại. Từng tuyên bố vượt mặt Facebook hay sẽ thay thế dịch vụ Yahoo!360 sau khi đóng cửa, thế nhưng các mạng xã hội Việt đều suy yếu và phải chuyển đổi sang mô hình khác.
+ Zing Me của VNG là mạng xã hội Việt đầu tiên tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook tại Việt Nam nhưng giờ chủ yếu là kênh phân phối ứng dụng và game.
+ Go.vn tập trung về giáo dục, giải trí… nhưng mạng này giờ chuyển thành một trang tin tức tổng hợp.
+ Sau đó là Yume.vn, tamtay.vn… cũng không trụ được lâu. Cả những cái tên mới như Gapo, Hahalolo vẫn chưa đủ sức gây ấn tượng.
Quay trở lại với Lotus - mạng xã hội này không chọn con đường "đánh nhau với gã khổng lồ" như những người đi trước. Theo người đại diện chia sẻ là "tập trung vào nội dung và sáng tạo nội dung". Nhưng với trải nghiệm ban đầu của người dùng chia sẻ như: "không khác nào một ứng dụng tổng hợp tin tức từ các báo"… thì có lẽ mạng, xã hội này còn rất nhiều việc phải làm. Để tránh các vết xe đổ, bài học lịch sử vẫn luôn là những bài học có rất nhiều giá trị.
Đã có quá nhiều người chơi phải ngã ngựa nhất là khi các mạng xã hội nội như Lotus đánh vào thị trường đã án ngữ các gã khổng lồ toàn cầu như Facebook, Instagram hay Tiktok. Mạng xã hội mới sẽ cạnh tranh bằng "vũ khí" gì?
Để chiếm được từng phút vàng ngọc của người dùng, mỗi mạng xã hội cần có ít nhất một thứ họ phải chứng minh được là mình làm giỏi nhất như Facebook cung cấp hàng loạt tính năng tiện lợi nhất từ kết nối đến kinh doanh, Instagram chia sẻ ảnh tiện nhất, Twitter lan tỏa nhanh nhất những quan điểm cá nhân, hay Zalo cũng khác biệt với tính năng cho gửi ảnh với chất lượng HD. Với Lotus, theo thông tin từ mạng xã hội này, ngoài định vị lấy nội dung làm trọng tâm thì một điểm cũng được nhấn mạnh đó là token, hay điểm thưởng.
Token có là phương thức cạnh tranh?
Nhấn nút "Thích" bài viết là nhận được 1 token. Để lại "Nhận xét" được 2 token. Chia sẻ bài viết được 3 token. Càng tương tác nhiều trên mạng xã hội Lotus, người dùng nhận được về càng nhiều token. Số token được tích lũy có thể được dùng cho những việc khác không chỉ có giá trị tinh thần mà còn là giá trị vật chất.
Ở những mạng xã hội khác, token được gọi bằng những cái tên dễ hiểu hơn như xu, heo đất, cây xanh... Tương tác càng nhiều, lượng xu càng lớn, heo đất càng to và cây xanh càng phát triển. Đến một giới hạn được quy định, giá trị của những loại token này sẽ được quy đổi sang thẻ cào điện thoại, hay nhiều dịch vụ khác nhau trong hệ sinh thái của doanh nghiệp.
Token có bản chất là dạng lợi ích vật chất để định hướng hành vi. Token khuyến khích người chưa dùng tải ứng dụng về dùng. Token khuyến khích người đã dùng tương tác nhiều hơn để nhận lợi ích. Đối với mỗi mạng xã hội, cộng đồng người dùng càng lớn, lượng tương tác càng nhiều thì khả năng khai thác lợi ích từ cộng đồng người dùng càng lớn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, các dạng thức token của mạng xã hội Việt Nam đang dừng lại ở mức cơ bản, chưa rõ khả năng quy đổi giá trị đến đâu, trong khi đó, đối thủ là gã khổng lồ Facebook đang ấp ủ tạo ra tiền kỹ thuật số Libra có tính ứng dụng rộng rãi hơn nhiều.
Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp Việt đang bắt đầu đi đúng xu hướng chia sẻ giá trị trong mạng xã hội bằng công cụ khuyến khích hành vi như token. Tuy nhiên, các đối thủ ngoại như Facebook cũng đang chuyển động rất nhanh với công cụ đáng gờm là tiền kỹ thuật số. Do đó, còn quá sớm để nói token đủ sức giúp doanh nghiệp Việt cạnh tranh.
Mô hình kinh doanh mạng xã hội ở Trung Quốc
Chưa thể biết token có là phương thức cạnh tranh của mạng xã hội Lotus hay không nhưng về việc sử dụng token cũng khá giống Trung Quốc. Tại Trung Quốc, việc tặng thưởng coin hay quà cũng được nhiều mạng xã hội áp dụng từ lâu khi muốn lôi kéo người dùng nhanh nhất. Trong 5 năm trở lại đây, hình thức này phát triển lên thành "mô hình kinh doanh mạng xã hội Social+". Nghĩa là vẫn tặng coin, tặng quà trên trang mạng xã hội nhưng những phần thưởng này được quy đổi thành tiền thật, quà thật.
Thành công của các công ty với mô hình Social+ là hàng triệu người dùng tích cực trong khoảng thời gian ngắn. Nó cho thấy hiệu quả về việc tạo sự gắn bó của khách hàng và khuyến khích họ quay trở lại.
Mô hình Social+ hoạt động theo 2 cách: Cách thứ nhất là các công ty Trung Quốc tận dụng mạng xã hội hiện tại của người dùng để phát triển. Ví dụ như nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo. Bằng cách chạy hàng loạt chương trình mua sắm trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc WeChat, Pinduoduo tiếp cận được hơn 1 tỷ người dùng WeChat. Từ đó, khuyến khích người dùng vừa mua hàng vừa chia sẻ với người thân, bạn bè cùng mua chung để hưởng mức giá ưu đãi. Phần thưởng cho việc kêu gọi mua chung thành công là tiền mặt, mã giảm giá hay sản phẩm miễn phí.
Mô hình Social + thứ hai là xây dựng một mạng xã hội riêng rồi thu hút mọi người tham gia. Điển hình là nền tảng chia sẻ tin tức xã hội Qutoutiao. Qutoutiao được hậu thuẫn bởi nguồn tài chính dồi dào của 2 tập đoàn công nghệ lớn là Tencent và Alibaba. Hiện Qutoutiao có khoảng 10 triệu người sử dụng sau 2 năm ra mắt. Mạng xã hội này đang tặng cho người dùng 1.000 tiền vàng có thể chuyển thành tiền mặt tương đương 0,5 Nhân dân tệ nếu hoàn thành bước đăng ký hoặc sử dụng ứng dụng trong một số ngày nhất định. Thậm chí, hành động chia sẻ, nhận xét bài viết cũng nhận được thưởng đồng tiền vàng.
Các ví dụ vừa rồi cho thấy, tại nền kinh tế có tốc độ số hóa chóng mặt như Trung Quốc, kinh doanh mạng xã hội đang được xem là một trong những chìa khóa thành công "thần tốc" cho các công ty lớn muốn phát triển dựa vào nền tảng.
Xu hương của các mạng xã hội là ban đầu nền tảng mạng xã hội phát triển các giao dịch phi thương mại với các coin hay token có giá trị quy đổi nội bộ, nhưng đích đến là chuyển dịch thành các giao dịch thương mại có sự lưu chuyển của tiền thật trong nền tảng mạng xã hội, khi đó, các coin, token có thể quy đổi ra tiền thật. Hay như Facebook cũng đang tính cách tạo đồng tiền số Libra cho riêng mình với sự hậu thuẫn của nhiều tập đoàn uy tín nhằm khai thác giá trị thương mại khổng lồ trong cộng đồng 2 tỷ người dùng của mình.
Xu hướng đi như vậy nhưng thành công hay công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự hậu thuẫn từ Chính phủ hay tiềm lực tự thân về công nghệ, tài chính của mỗi mạng xã hội. Người Việt luôn có tinh thần ủng hộ hàng Việt nhưng sự trung thành của người dùng với một mạng xã hội chỉ đến khi họ cảm nhận được các giá trị thực sự, khác biệt mà mạng xã hội đó đem lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!