Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam
6,17 tỷ USD là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong quý I, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, khẳng định lĩnh vực này tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam.
Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đạt 52,8 điểm. Đây là mức cao nhất kể từ thời điểm cuối năm 2022, cho thấy niềm tin ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết là có nhiều khả năng giới thiệu Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài khác.
Trong Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp FDI do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gần đây, có những doanh nghiệp châu Âu cam kết đầu tư 15 - 20 tỷ USD vào Việt Nam. Xu hướng tích cực này nhấn mạnh quan điểm Việt Nam là một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng.
Ông Dominik Meichle - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: "Tôi có thể nhìn thấy những điểm tích cực từ chính doanh nghiệp của mình. Việt Nam có nguồn nhân lực tốt. Đây là cơ sở để chúng ta hướng đến sản xuất công nghệ cao như chip bán dẫn chẳng hạn. Chính phủ cũng đang có những bước chuẩn bị rất tốt cho sự chuyển dịch này".
Với những dây chuyền sản xuất máy cơ khí gia công chính xác cao (CNC), ngay trong tháng 4, một nhà máy tương tự sẽ được doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại Bắc Giang, với quy mô 50 triệu USD.
Ông Kim Tae Hong - Giám đốc sản xuất Seojin Việt Nam chia sẻ: "Địa phương tạo điều kiện cho chúng tôi rất nhiều, đặc biệt là các khu công nghiệp đã sẵn sàng cơ sở hạ tầng hiện đại, chúng tôi đến là có thể hoàn thiện nhà máy đi vào hoạt động luôn. Hơn nữa nguồn nhân lực cũng rất dồi dào".
Để đón đầu dòng vốn FDI chất lượng cao, các địa phương cũng đang rốt ráo triển khai các giải pháp, từ cải cách môi trường đầu tư, đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhận định: "Hiện nay, chúng tôi lựa chọn không phải bằng mọi giá như trước đây mà lựa chọn có chọn lọc, với tiêu chí sạch, thân thiện với môi trường. Thời gian vừa qua, chỉ số xanh mặc dù phát triển lớn nhưng chúng tôi vẫn đứng top đầu về chỉ số xanh. Đó là một trong những điều kiện tốt để doanh nghiệp đầu tư vào đây. Hàng tháng, chúng tôi tổ chức giao lưu, gặp gỡ để xem có vấn đề gì có thể cải thiện được thì chúng tôi lại tiếp tục đề xuất và sẽ thực hiện".
Ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ nêu ý kiến: "Chúng tôi đang triển khai thêm hai dự án đầu tư mới với quy mô 800 ha để đảm bảo nhu cầu của các nhà đầu tư khi tìm đến Phú Thọ. Thứ hai, tăng cường hệ thống giao thông kết nối để đảm bảo yêu cầu trong cạnh tranh về chi phí logistic cũng như lưu chuyển hàng hóa".
Tuy nhiên, trong khi lượng vốn đăng ký cấp mới tăng đến hơn 57%, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần lại giảm trong quý I. Đây cũng là vấn đề cần chú ý để kịp thời lắng nghe tiếng nói của các nhà đầu tư hiện hữu và có những giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đạt 52,8 điểm
Chính sách mới để thu hút FDI
Tổng số vốn đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32% so năm trước đó. Đây có thể nói là một mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, khi nhìn sang các nước khác trong khu vực như vốn FDI của Thái Lan năm 2023 tăng 72%, Indonesia cũng tăng gần 14%. Có thể thấy, chúng ta đang trong một cuộc đua thu hút FDI với độ cạnh tranh cao. Đã đến lúc cần phải có những chính sách khác biệt.
PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính chia sẻ: "Thứ nhất là chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hoá nền kinh tế, giảm thiểu tối đa chi phí tiếp cận chính sách, tiếp cận thị trường và các chi phí thành lập doanh nghiệp. Thứ hai, chúng ta phải xem xét lại việc miễn giảm, hỗ trợ chi phí để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi".
Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định thêm: "Đặc biệt, năm nay chúng tôi nhấn mạnh trước hết về năng lượng. Nếu phập phù năng lượng, lúc tắt lúc bật thì không thể thu hút đầu tư vào công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn".
Đào tạo nhân lực cho thu hút FDI
Để thu hút được nguồn vốn chất lượng cao, thì tôi nghĩ, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt của Việt Nam chỉ đạt 27% (theo Tổng cục Thống kê).
Đây chính là lúc cần sự linh hoạt của các địa phương, các tỉnh thành phố. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không còn là câu chuyện đào tạo hàng loạt, mà nhiều tỉnh đã bắt tay vào đào tạo theo đúng đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: "Việc đầu tiên là họ phải kí với chúng tôi đào tạo luôn. Với công thức 1+1+1, tức là một năm học lý thuyết tại Cao đẳng Việt - Hàn tại Bắc Giang. Sau đó, một năm đi thực tập tại nhà máy ở Hàn Quốc hoặc Việt Nam. Năm thứ 3, về hoàn thiện lấy bằng kĩ sư thực hành. Khi học xong năm thứ nhất, họ sẽ tuyển luôn và ai trúng tuyển thì họ sẽ tài trợ học phí".
Có rất nhiều giải pháp để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài như tiếp tục cải cách môi trường thể chế theo hướng minh bạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, mặc dù đã làm nhưng chúng ta cũng cần có thêm chiến lược chi tiết hơn và có thể xem xét ưu đãi cho từng đối tác, nhất là các nhà đầu tư có thế mạnh về công nghệ cao hay các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam. Giống như chúng ta mặc một chiếc áo, muốn đẹp và vừa vặn cơ thể thì phải được lựa chọn và may đo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!