Vay tiêu dùng chính là những khoản vay trả góp, mua điện thoại, xe máy hay vay tiền để sửa chữa nhà cửa. Các ngân hàng thương mại đang chiếm hơn 90% thị phần vay tiêu dùng. Các công ty tài chính chỉ chiếm 8,2%, tương đương 90.000 tỷ đồng nhưng lại đang phục vụ lượng khách hàng lớn hơn, tới gần 30 triệu người.
Khoản vay nhỏ nhưng thủ tục vay đơn giản nên cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính trong năm 2017 đã tăng trưởng mạnh tới 32%, cao gấp rưỡi mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là các mức lãi suất của các khoản vay của các công ty này.
Lãi suất 0%, mua trước trả sau, không mất lãi. Hàng trăm sản phẩm ở nhiều cửa hàng được bán trả góp không lãi suất. Do không tính lãi với người vay nên công ty tài chính phải lấy lợi nhuận từ việc bán sản phẩm cho cửa hàng.
Vay 0% chỉ áp dụng đối với mua trả góp một số sản phẩm. Còn lại, lãi cho vay của các công ty tài chính cao khoảng gấp đôi so với ngân hàng. Lãi vay trung bình là 38%/năm. Nguyên nhân vì các công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư, phải vay qua các ngân hàng hoặc huy động vốn góp đầu tư với lãi suất cao hơn.
Theo quy định của NHNN, trên mỗi hợp đồng vay tiêu dùng phải ghi rõ mức lãi suất, thời hạn vay, số tiền phải trả. Mẫu hợp đồng trước khi được đưa ra thị trường phải qua kiểm duyệt của NHNN và Cục Quản lý Cạnh tranh. Do đó, để tránh những tranh chấp nảy sinh, điều người đi vay cần làm luôn là đọc thật kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!