Gần đây, những thông tin về doanh nghiệp bỏ thầu gạo xuất khẩu giá thấp đã gây biến động trong thị trường khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều giảm trong tuần qua. Thực trạng này đặt ra câu hỏi về quản lý hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Những lo ngại về áp giá sàn xuất khẩu hay tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh đang khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang, nhất là khi hợp đồng xuất khẩu lớn đã kí đến hết năm.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phước Thành IV, Vĩnh Long cho biết: "Áp giá sàn thiệt cho doanh nghiệp, thiệt cho bà con trồng lúa. Các Hiệp hội cần thảo luận thêm cho các thành viên trước khi đi đấu thầu làm sao đưa ra những giá cơ bản nhất".
Tuy đã có các quy định về báo cáo thống kê hợp đồng xuất khẩu theo Nghị định 107 năm 2018 của Chính phủ, nhưng tình trạng các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc đang khiến việc quản lý trở nên khó khăn.
Muốn tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định để đảm bảo minh bạch thị trường
Ông Phạm Thái Bình - Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam chia sẻ: "Đầu mối xuất khẩu gạo, ví dụ như Thái Lan, người ta xuất khẩu một năm lên tới 10 triệu tấn nhưng đầu mối chỉ xuất khẩu khoảng 20. Nhưng Việt Nam trên 100 thì rõ ràng, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không gắn liền với chuỗi ngành hàng lúa gạo".
Nghị định 107 sửa đổi về xuất khẩu gạo dự kiến sẽ được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ trong tháng này. Đáng chú ý, các quy định về báo cáo và hậu kiểm được sửa đổi, đi kèm là chế tài xử lý vi phạm tăng nặng.
Ông Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương nhận định: "Việc kê khai và báo cáo thường xuyên của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ sát thực của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm các chế độ báo cáo theo quy định, Bộ Công thương có thể xem xét rút giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp vi phạm".
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến: "Chúng ta khó để ban hành những giải pháp để bình ổn giá gạo như lập giá sàn hay đưa ra quota cứng nhắc. Các Hiệp hội ngành hàng nếu tập hợp tốt, có nhiều giải pháp phi Nhà nước như cảnh báo, chia sẻ thông tin và có thể phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước".
Nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới vẫn rất lớn, muốn tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định để đảm bảo minh bạch thị trường. Đồng thời, các các Hiệp hội ngành hàng cũng phải thể hiện rõ vai trò đầu tàu dẫn dắt, tạo sự đồng thuận giữa các doanh nghiệp vì lợi ích cao nhất của gạo Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!