Minh bạch về đất khi cổ phần hóa

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 16/06/2022 21:03 GMT+7

VTV.vn - Việc sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất đang là "nút thắt" trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân trục lợi.

Điển hình như vụ việc tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Tân Thuận. Vì vậy, nên tách giá trị đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Quản lý hơn 1.200 hecta đất, diện tích lớn nhưng đến nay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ đã đảm bảo các điều kiện để tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn theo lộ trình. Đại diện doanh nghiệp cho biết, chính vì việc áp dụng thuê đất hàng năm nên không ảnh hưởng đến xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa.

"Tất cả diện tích đất doanh nghiệp đang thuê làm gì thì phải trả tiền đất hàng năm, theo giá đất, theo lộ trình 5 năm phê duyệt 1 lần, như vậy sẽ hài hòa", ông Khổng Mạnh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ, cho biết.

"Đối với các doanh nghiệp ở Thái nguyên, đa phần là doanh nghiệp thuê đất. Khi doanh nghiệp thuê đất hàng năm, giá trị đất sẽ không được xác định vào việc cổ phần hóa", ông Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, cho hay.

Đã có thời kỳ giá trị đất được tách khỏi giá trị doanh nghiệp, tuy nhiên do không hấp dẫn các nhà đầu tư nên lại gộp vào giá trị doanh nghiệp. Vấn đề sẽ không có những thất thoát, nếu như cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thực hiện đúng các phương án sử dụng đất theo quy hoạch.

"Vấn đề quản lý đất trước khi thực hiện cổ phần hóa cho đến khi doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa, vậy cơ quan nào, trung ương hay địa phương thực hiện việc quản lý đất đai và có thẩm quyền về việc cho thuê hay trao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa", ông Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, nói.

Trong năm 2021 cả nước chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp và cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp. Việc phê duyệt phương án cổ phần hóa vẫn rất chậm. Điểm nghẽn vẫn liên quan đến đất đai.

"Mặc dù điểm nghẽn liên quan đến đất đai có một phần từ thể chế, nhưng việc tổ chức thực hiện không thường xuyên, liên tục và có sự né tránh trách nhiệm nên không có phản ánh chính xác để hoàn thiện thể chế", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, nhận định.

Tiến trình cổ phần hóa vẫn tiếp tục, vẫn còn nhiều tập đoàn, tổng công ty với quỹ đất rất lớn chưa được cổ phần hóa. Những lỗ hổng đã được nhìn nhận ở thời điểm trước. Đó là những kinh nghiệm trong thời gian tới, đặc biệt hướng tới tiêu chí đất cho sản xuất kinh doanh, không sử dụng theo phương án cổ phần hóa, phải trả lại cho Nhà nước; tránh trường hợp, cổ phần hóa để giải tán doanh nghiệp, thải hồi công nhân, bán máy móc, thiết bị và mục đích chính là lấy khu đất, lấy địa tô chênh lệch gây méo mó chủ trương đúng đắn khi cổ phần hóa.

Gỡ nút thắt cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước Gỡ nút thắt cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước

VTV.vn - Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chậm tiến độ, không đạt kế hoạch đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước