Sau hơn 2 năm, ngành du lịch đã phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề do dịch COVID-19, việc được quan tâm lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong năm nay.
Hiện Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch. Hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải là an toàn cho du khách và người dân.
Sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế. (Ảnh: NLĐ)
Theo Tổng cục Du lịch, chỉ trong nửa cuối tháng 11/2021 thực hiện thí điểm, Việt Nam đã đón gần 1.000 khách quốc tế. Trong hai ngày 25 và 26/12, Phú Quốc đón gần 1.000 khách Nga, Uzbekistan... Trong 2 tháng cuối năm 2021, tỉnh Khánh Hòa đón trên 3.800 khách, nhiều nhất là khách Hàn Quốc, Nga.
Tính đến giữa tháng 2, sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế.
Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm nay, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.
Gỡ bỏ rào cản đón khách quốc tế
Mới đây, trong việc góp ý cho phương án mở cửa lại, hoạt động du lịch sau 15/3, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nhiều quy định chặt chẽ với khách du lịch quốc tế. Doanh nghiệp du lịch tỏ ra lo lắng cho rằng những quy định được đề xuất đang làm khó cho ngành du lịch.
Bộ Y tế đưa ra đề xuất trong vòng 24 giờ đầu, hành khách không rời khỏi nơi lưu trú ngay cả khi nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính; đồng thời đưa ra khuyến cáo khách quốc tế không ra khỏi nơi cư trú trong vòng 72 giờ. Trường hợp ngày thứ 2 và 3, khách cần rời khỏi nơi lưu trú, phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày.
"Nếu chúng ta vẫn áp dụng biện pháp cách ly 3 ngày thì đây sẽ là điều kiện không hấp dẫn du khách và cũng làm giảm tính cạnh tranh sản phẩm du lịch với Việt Nam", bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Ascend Travel & Media, đánh giá.
Ngoài hàng rào kỹ thuật về cách ly, xét nghiệm, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nhóm khách từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền hạn chế đi du lịch. Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muốn đón cả nhóm khách này, chỉ cần người đi cùng bảo hộ đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch.
"Những quy định này sẽ một lần nữa đưa du lịch quốc tế về lại vạch xuất phát và hiệu quả truyền thông cho chủ trương lớn của Chính phủ là mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3 sẽ không còn nhiều ý nghĩa", ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định.
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/3, đại diện Bộ Y tế cho biết, những quy định này đang được xem xét để thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Phương án đón khách chính thức sẽ được Chính phủ phê duyệt trước khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3.
Các nước mở cửa du lịch
Trong thời gian gần đây, một loạt quốc gia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới. Trong đó, nhiều nước vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất trên thế giới nhằm khống chế đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia nhận định thế giới đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch, với phương châm "lạc quan thận trọng".
Miễn cách ly nhập cảnh vào Bali từ 14/3
Indonesia sẽ thử nghiệm chương trình miễn cách ly du khách quốc tế đến Bali từ 14/3, nhưng có thể bắt đầu sớm hơn nếu số ca lây nhiễm giảm.
Nếu thử nghiệm thành công, Indonesia sẽ mở cửa toàn bộ đất nước và đón khách không cần cách ly từ tháng 4.
Dù không phải cách ly theo quy định mới, khách quốc tế đã tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn tuân thủ một số yêu cầu.
Họ phải xuất trình bằng chứng thanh toán tiền phòng khách sạn; xét nghiệm PCR tại sân bay và đợi kết quả tại khách sạn.
Nếu âm tính, du khách vẫn phải xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 sau khi nhập cảnh.
Nhật Bản tiếp tục nới lỏng kiểm soát biên giới
Cũng từ ngày 14/3 tới, số lượng người được phép nhập cảnh Nhật Bản sẽ nâng từ mức 5.000 người mỗi ngày hiện nay lên 7.000 người. Nhật Bản sẽ ưu tiên cấp phép nhập cảnh cho các sinh viên nước ngoài.
Mặc dù nới lỏng kiểm soát biên giới nhưng ở trong nước, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ quan điểm thận trọng khi quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 2 tuần ở 18 trong tổng số 31 tỉnh,thành.
Châu Âu mở cửa đón khách du lịch nước ngoài
Từ 1/3, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm 2 mũi vaccine. Mũi thứ 2 cách ngày nhập cảnh ít nhất 2 tuần và không quá 270 ngày. Những người đã tiêm quá 9 tháng phải tiêm mũi tăng cường. Người khỏi COVID-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận. Trước ngày 1/3, EU từ chối tiếp nhận khách nhập cảnh với lý do không cần thiết.
Singapore mở làn đi lại vaccine với Việt Nam từ 16/3
Singapore mở làn đi lại cho người dân đã tiêm vaccine từ một số quốc gia như Việt Nam, Hy Lạp. (Ảnh: Reuters)
Mới đây, Singapore đã thông báo kể từ ngày 16/3 tới, nước này sẽ mở làn đi lại vaccine với Việt Nam.
Theo Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore, du khách từ Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến xin Thẻ thông hành vaccine từ 10h ngày 13/3. Du khách ngắn hạn sẽ phải tiêm đủ tối thiểu 2 liều vaccine ngừa COVID-19, theo danh mục của Tổ chức Y tế thế giới, có chứng nhận tiêm chủng để xuất trình khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm PCR hoặc ART âm tính tại cơ sở y tế 48 tiếng trước khi nhập cảnh.
Người đã mắc COVID-19 không cần xét nghiệm trong vòng 90 ngày kể từ ngày hồi phục, nhưng phải có xác nhận hồi phục của cơ sở y tế và mua bảo hiểm du lịch.
Kể từ tháng 9/2021, Singapore đã thiết lập Làn đi lại vaccine với với 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho phép Singapore mở lại biên giới một cách an toàn, đồng thời quản lý các rủi ro sức khỏe đối với người dân.
Với chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm liền trước đại dịch COVID-19, số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng cao liên tục và đã lên đến con số mơ ước trong nhiều năm trước đó là 18 triệu người, tương đương với nhiều quốc gia có du lịch phát triển ở Đông Nam Á.
Ngành du lịch đã đóng góp tới 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 2,5 triệu người và gián tiếp cho khoảng 2 triệu người trong các lĩnh vực gắn kết với du lịch.
Du lịch quốc tế chiếm tới 80% số lượng hành khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam. Đến nay, sau khi đã dỡ bỏ gần hết các biện pháp phòng chống dịch, việc mở cửa trở lại du lịch đúng thời điểm góp phần không chỉ thu hút thêm nhiều du khách đến Việt Nam, cạnh tranh với các nước trong khu vực, mà còn là cơ hội xây dựng được những thương hiệu và điểm đến hấp dẫn du khách trong cuộc đua mở cửa nền kinh tế và du lịch trên thế giới.
Hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải là an toàn cho du khách và người dân. (Ảnh: NLĐ)
Vừa qua, ngành y tế đã đưa ra đề xuất về thời gian cách ly khá dài đối với hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu thực hiện các biện pháp phòng dịch như Bộ Y tế đề xuất, thì các doanh nghiệp du lịch và lữ hành sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Các doanh nghiệp lữ hành trở lại với hoạt động sớm nhất sau 2 năm trời hoạt động cầm chừng, tạm nghỉ và thậm chí là rời thị trường. Hiện nay, du lịch ở nhiều nước cũng đang rất ảm đạm, vậy việc Việt Nam mở cửa trở lại du lịch từ giữa tháng 3 có giúp đạt được mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm nay là đón được từ 5 - 6 triệu khách quốc tế không?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Sự kiện và Bình luận (5/3) với sự tham gia của ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, Tổng cục Du lịch, và PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng. Mời quý vị theo dõi video trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!