“Mở đường” cho doanh nghiệp bước sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu

Kate Trần-Chủ nhật, ngày 20/10/2024 09:34 GMT+7

VTV.vn- Để bước sâu vào nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp cần môi trường đồng bộ thể chế, hoàn thiện quy định về ngành kinh doanh mới, hệ thống thương mại điện tử, tài chính số...

Đây là ý kiến GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?” diễn ra cuối tuần qua.

Thế giới nhiều bất ổn, khó khăn và chuyển đổi số là cơ hội cho doanh nghiệp

Theo nhận định của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới, đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa. Chia sẻ câu chuyện này, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, dự báo năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến khoảng 74 tỷ USD. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có thể chiếm khoảng 17% cơ hội phát triển kinh tế mà các công nghệ số mang lại.

Theo các chuyên gia, nhiều cảnh báo rủi ro xuất phát từ những động thái gần đây trên thị trường tài chính tiền tệ quốc tế như việc Warren Buffett bán lượng cổ phiếu lớn trị giá tới 75,5 tỷ USD, FED và ngân hàng Trung ương nhiều nước giảm lãi suất, nhưng Nhật Bản ngược dòng tăng lãi suất để phục hồi giá trị đồng yên, những bất ổn mới của kinh tế Mỹ… Trật tự kinh tế thế giới cũ đang thay đổi và tại các diễn đàn chính thức, lãnh đạo một số quốc gia đã đề xuất kịch bản cho một trật tự kinh tế thế giới mới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản trị doanh nghiệp cũng như sản xuất - kinh doanh - phân phối còn rất nhiều hạn chế. Thậm chí, nhiều chủ doanh nghiệp hiện vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế số với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. 

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại nhận định, thực hiện chuyển đổi số và hướng hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng số sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính và phát triển bền vững trong bối cảnh đầy bất ổn, biến động và khó khăn hiện nay. 

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE nhấn mạnh thêm, nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với những cơ hội chưa từng có để vươn mình, song kèm với đó là những khó khăn, thách thức biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới; các dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới không mấy lạc quan, thậm chí đã có những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vỡ "bong bóng chứng khoán" trong một tương lai gần. Hơn thế nữa, những rủi ro về biến đổi khí hậu đang hiện hữu, thiên tai bão lũ diễn ra dồn dập tàn phá cuộc sống...Bối cảnh mới đòi hỏi cấp bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Chỉ có con đường đó mới giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển bền vững và hội nhập thành công với xu hướng toàn cầu.

Rất cần nhà nước "mở đường"

“Mở đường” cho doanh nghiệp bước sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

Nhà nước cần tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số

Chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy nội lực của doanh nghiệp vẫn yếu và còn tồn tại nhiều vướng mắc, rào cản pháp lý kìm hãm doanh nghiệp đến với các cơ hội phát triển mới. Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, câu hỏi làm thế nào để chuyển đổi số thành công của rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có lời giải chính xác. 

Do đó, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh tự thân doanh nghiệp thì rất cần nhà nước tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số và thực hiện hiệu quả chức năng dẫn dắt doanh nghiệp thực hiện.

Theo đó, trước tiên nhà nước cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, sửa đổi, bổ sung quy định đối với các ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số. Đồng thời, cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số. tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

"Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung chính sách, cơ chế thử nghiệp (sandbox) cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh mới; quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường cổ phiếu, quỹ đầu tư, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm; thị trường phái sinh và thị trường tín chỉ carbon. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và có chính sách, giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực; ưu tiên thích đáng phát triển AI, mô hình phát triển công nghiệp bán dẫn phù hợp…", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh.

Ngoài ra, GS-TSKH. Nguyễn Mại còn cho rằng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích kết nối theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, giữa tập đoàn kinh tế Việt Nam với DNNVV để hình thành thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.../.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước