Phát triển các KCN sinh thái gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn
Tại Việt Nam, phát triển các khu công nghiệp (KCN) xanh gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, không ô nhiễm, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên cũng đang trở thành xu hướng chủ đạo, đồng thời là một lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Là một định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình KCN sinh thái đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế.
Theo định nghĩa, khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp trong đó có doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí khác nhau.
Cụ thể, nhà đầu tư cần tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường. Bảo đảm đầy đủ các dịch vụ dịch vụ hạ tầng thiết yếu như điện, nước, thông tin, phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải; hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp.
Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giám sát đầu vào và đầu ra về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu trong khu công nghiệp; lập báo cáo định kỳ hàng năm về các kết quả đạt được trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và giám sát phát thải của khu công nghiệp.
Hàng năm, nhà đầu tư cần công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.
Triển khai mô hình KCN sinh thái chính là thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, các cam kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời hiện thực hóa mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng "0") của Việt Nam vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 400 KCN. Theo định hướng Quy hoạch Quốc gia, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 575 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,93 nghìn hecta (tăng gần gấp 2 lần so với hiện nay).
Mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia là phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển các KCN sinh thái và giảm dần các KCN, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường đã và đang được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm kiếm cơ hội. Việc phát triển KCN theo hướng mô hình KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư FDI nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Xây dựng KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế
Nhằm thúc đẩy phát triển KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn trong các KCN tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án "Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu".
Tổng kết dự án giai đoạn 2020 - 2024, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc quốc gia Dự án KCN sinh thái cho biết, trong quá trình triển khai dự án, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, nhưng đến nay về cơ bản dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể, dự án đã khuyến khích phát triển và lồng ghép KCN sinh thái trong thể chế, chính sách. Bên cạnh đó, xác định và triển khai thực hiện các cơ hội KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp trong các KCN.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI:
Theo ông Quân, hiện nay thế giới đang thay đổi rất nhanh, nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên và các chính sách ưu đãi về thuế đã dần tới hạn; phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang trở thành xu thế chủ đạo, tất yếu của các quốc gia để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Trong bối cảnh đó, việc phát triển KCN, khu kinh tế cần các mô hình mới với các chính sách phù hợp như mô hình KCN sinh thái, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thời gian tới, UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành trong giai đoạn II Chương trình toàn cầu của UNIDO về KCN sinh thái. Trong đó, xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về KCN sinh thái, hỗ trợ thiết kế KCN sinh thái ngay từ đầu để tối đa hóa hiệu quả cơ sở hạ tầng, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn, tăng cường hoạt động cộng sinh công nghiệp – đô thị, áp dụng công nghệ carbon thấp, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, thu hút các nguồn tài chính xanh. UNIDO cũng cam kết đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong phát triển KCN sinh thái, đào tạo kỹ năng và hợp tác cùng hành động để biến thách thức thành giải pháp cho một Việt Nam thịnh vượng và bền vững.
Mô hình KCN sinh thái mang lại nhiều lợi ích là vậy, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án cần giải pháp khắc phục.
Đầu tháng 8 này, Tập đoàn KCN Việt Nam đã khởi công dự án KCN Deep C - Hải Phòng (giai đoạn 02) với mục tiêu đạt chứng chỉ LEED Silver - chứng nhận quốc tế dành cho các công trình xây dựng xanh. Theo đó, dự án sẽ tối ưu việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy các thực hành bền vững khi có khả năng tiết kiệm đến 25% năng lượng, giảm 10% lượng nước sử dụng, đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải carbon so với các dự án truyền thống. Nhờ đó, dự án có thể mang lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế. Đồng thời, môi trường làm việc xanh và lành mạnh cũng góp phần nâng cao sự hài lòng, năng suất của toàn thể người lao động và đem lại giá trị tích cực cho cộng đồng xung quanh.
Dù vậy, theo ông Hardy Diec – Giám đốc Điều hành Tập đoàn KCN Việt Nam, việc triển các dự án theo hướng xanh, bền vững có thể sẽ đi kèm nhiều thách thức về mặt chi phí, kinh nghiệm, năng lực thiết kế và xây dựng của các đối tác, nhà cung cấp cũng như thời gian triển khai so với các dự án thông thường. "Các trở ngại này có thể được giảm thiểu nếu chủ đầu tư tiến hành giai đoạn nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng và toàn diện ngay từ đầu. Trên tất cả, dù có những thách thức nhất định, chúng tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào các đối tác có kinh nghiệm phát triển công trình xanh, cũng như giá trị lâu dài về môi trường, kinh tế, phúc lợi mang lại cho người lao động, khách hàng, cộng đồng và sự phát triển chung của quốc gia" – ông Hardy Diec nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng công trình tiệm cận với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế
Thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, đồng thời liên tục học hỏi, cập nhật yêu cầu của hệ thống chứng chỉ xanh cũng như quy định của Chính phủ để từ đó đề ra các kế hoạch, hướng đi phù hợp, nâng cao chất lượng công trình tiệm cận với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cũng cần coi phát triển KCN theo hướng sinh thái là nhu cầu cấp bách để kiến tạo một tương lai bền vững.
Có thể thấy rằng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của phát triển kinh tế song song với hoạt động bảo vệ môi trường, gắn kết trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội và cộng đồng. Họ coi phát triển KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái là giải pháp mang lại lợi ích kinh tế, giúp nâng cao vị thế kinh doanh.
Việc phát triển mô hình KCN sinh thái gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn hy vọng sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!