Hợp tác xã Nông nghiệp xanh phố Hiến những ngày này đang dồn toàn bộ nhân lực đóng 5 tạ nhãn đi Hà Nội. Thay vì tập trung đi vào các chợ dân sinh và các cửa hàng hoa quả như mọi năm thì hiện hợp tác xã đã nhận được các đơn hàng chủ yếu là hàng biếu tặng. Phân khúc này đòi hỏi mẫu mã hộp lịch sự cùng mã quả đồng đều, đi kèm với giá bán cũng cao hơn.
"Năm nay thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thị trường tiêu thụ nhiều nhất nhãn quà biếu, bởi đấy là khách hàng khó tính, người ta đặt ra yêu cầu mẫu mã bao bì, chất lượng của hàng hóa cao hơn", chị Bùi Thị Thu Hường - Hợp tác xã Nông nghiệp xanh phố Hiến, Hưng Yên chia sẻ.
Bên cạnh sự chủ động của các HTX, Sở Công thương tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức đều đặn hàng tuần các phiên chợ nhãn lồng để tạo thêm cơ hội bán hàng cho các nhà vườn, tập trung chủ yếu ở các khu đô thị mới của Hưng Yên và Hà Nội. Cùng với đó là hỗ trợ các HTX phương thức bán nhãn trên các nền tảng thương mại điện tử.
Ông Vũ Quang Thắng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết: "Các khách hàng chỉ có thể lấy qua hội chợ thương mại, người tiêu dùng có thể biết đến để lấy địa chỉ của người sản xuất, các HTX sản xuất, qua các nền tảng mạng xã hội có thể đặt hàng, ship tận nơi, đảm bảo chất lượng".
Vừa qua Hưng Yên cũng đã tổ chức hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn nhằm giúp các HTX cập nhật các yêu cầu của thị trường quốc tế để dần mở cánh cửa xuất khẩu. Một số doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu trái vải đi các nước thì việc vùng nguyên liệu chưa tập trung cùng với sự quảng bá trái nhãn lồng ra bạn bè quốc tế chưa rộng rãi là những rào cản lớn.
"Với một số lượng giống lớn lại dẫn đến câu chuyện tiếp theo nữa là vùng nguyên liệu bị chia nhỏ, bởi ngay khi trong một vườn trồng 4-5 giống, nó dẫn đến câu chuyện phân hóa từ giá cho đến sản phẩm, chất lượng và vùng nguyên liệu", ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Công ty Toàn Cầu, Bắc Giang cho hay.
Ông Nguyễn Đức Tiến - Giám đốc Công ty Amei Việt Nam thông tin: "Chúng ta phải làm tốt công tác giới thiệu về lợi ích của quả nhãn cũng như cách thức người dân tạo ra quả nhãn, tức là giá trị văn hóa. Tôi quan tâm thị trường Nhật Bản, người ta không chỉ quan tâm đến giá trị ăn của sản phẩm mà người ta quan tâm nhiều đến giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm".
Đến nay toàn tỉnh có 20 vùng trồng nhãn, ở TP Hưng Yên và huyện Khoái Châu được cấp mã số phục vụ xuất khẩu sang các nước Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó thành phố Hưng Yên cũng có hơn 10 điểm trồng nhãn đã được cấp mã số vùng trồng OTAS - tiêu chuẩn có khả năng truy suất nguồn gốc để xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!