Mở rộng mã số vùng trồng cho khoai lang

Thanh Ngọc-Thứ hai, ngày 29/05/2023 14:31 GMT+7

VTV.vn - Mở rộng mã số vùng trồng đang mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng khoai lang của tỉnh Đắk Lắk.

Thủ phủ khoai lang ở Tây Nguyên phải kể đến tỉnh Đắk Lắk. Địa phương hiện có khoảng 10.000 ha khoai lang với sản lượng năm nay ước đạt 280.000 - 300.000 tấn. Riêng các vùng trồng đã được cấp mã số sang Trung Quốc dự kiến cho sản lượng khoảng 50.000 tấn đã được bà con Đắk Lắk chuẩn bị rất kỹ để xuất khẩu lô những lô khoai lang tươi đầu tiên vào thị trường tỷ dân.

Không phải từ khi Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch khoai lang Việt Nam, mà hơn 3 năm nay, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Tín, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng sản xuất khoai lang theo quy trình an toàn, với diện tích mỗi năm lên đến 130 hecta nhằm hướng đến được cấp mã số vùng trồng.

"Quy trình vùng này trồng khoai là chúng tôi làm theo quy cách xuống giống, trồng trọt, làm đất, chăm sóc. Chúng tôi chăm sóc toàn bộ theo hướng sinh học, VietGAP", ông Nguyễn Đình Vinh, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk, chia sẻ.

Bên cạnh chuẩn hoá quy trình sản xuất, nông dân còn mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào quản lý dịch hại trên vùng trồng, không để khoai lang nhiễm các sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc cấm.

Mở rộng mã số vùng trồng cho khoai lang - Ảnh 1.

Đến giữa tháng 5 này, giá khoai lang đạt 12.000 - 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Trong quá trình thực hiện chúng tôi thấy giảm 30% chi phí so với dùng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón. Công lao động giảm 40 - 50%", ông Cao Quang Phương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Tín, Đắk Lắk, cho biết.

Hiện cả nước có có 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Để tránh việc các chủ mã số đã có tâm lý chủ quan, không quan tâm đến nâng cao chất lượng vùng trồng, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thay đổi thói quen canh tác từ chú trọng số lượng sang nâng cao chất lượng, không nên mở rộng diện tích ồ ạt, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Quản lý chặt mã số vùng trồng

Thời điểm giữa tháng 4, giá khoai tăng lên mức 10.000 - 11.000 đồng/kg. Đến giữa tháng 5 này, giá đạt 12.000 - 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Nông sản chính ngạch đã mang lại giá trị cao hơn cho nông sản của bà con, nhưng bên cạnh những nỗ lực mở rộng nhanh mã số vùng trồng mới, việc nâng cao chất lượng mã số vùng trồng hiện có rất cần được quan tâm. Bởi nếu chúng ta còn buông lỏng quản lý mã số vùng trồng, rất có thể tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị thu hồi và đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế để xuất khẩu nông sản vào những thị trường giá trị cao.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân cấp quản lý mã số vùng trồng về cho các địa phương. Theo đó, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phải thực hiện kiểm tra thực tế vùng trồng mỗi năm ít nhất 1 lần. Trong trường hợp chưa đạt yêu cầu, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp.

"Ngoài giám sát chất lượng về an toàn thực phẩm, còn phải giám sát số lượng liên quan đến mã số vùng trồng để đảm bảo sản lượng phù hợp với mã số vùng trồng, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của Trung Quốc", ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.

Ngoài Trung Quốc, gần đây, một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đều yêu cầu nông sản tươi nhập khẩu buộc phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, để mã số vùng trồng thực sự phát huy hết hiệu quả, mỗi nông dân, doanh nghiệp phải minh bạch trong khâu sản xuất.

Thời gian tới, các chương trình tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về những quy định mới cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan đến mã số vùng trồng sẽ được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Nội dung tập huấn sẽ chú trọng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "Nhật ký đồng ruộng", phần mềm "Quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu, tạo thuận lợi cho công tác đăng ký mã số vùng trồng.

Tăng mã số vùng trồng sầu riêng được duyệt phục vụ xuất khẩu Tăng mã số vùng trồng sầu riêng được duyệt phục vụ xuất khẩu

VTV.vn - Trong 5 tháng đầu năm nay, khối lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước