Đến hết quý II năm nay, cả nước đã có gần 295 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng, với quy mô lên tới gần 288.500 căn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, 39% người lao động được hỏi cho rằng hiện có nhiều rào cản trong quá trình mua nhà ở xã hội. Đầu tiên là thiếu tài chính cho khoản đóng góp ban đầu, khó cạnh tranh suất mua và hồ sơ giấy tờ chứng minh quá phức tạp.
Một dự án nhà ở xã hội có tới gần 2.300 căn hộ, nhưng trong số 500 hồ sơ gửi đến chỉ có 25 hồ sơ đủ các điều kiện và 15 hồ sơ khác đang chờ xét duyệt để được mua.
Thực tế nhu cầu nhà ở xã hội cao, tuy nhiên dự án lại rơi vào tình trạng có cung nhưng không đủ cầu.
Một khu nhà ở xã hội ở tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Còn với dự án khác, sau 2 năm tới sẽ có 600 căn nhà ở xã hội được hình thành trên diện tích gần 5 ha.
Dự án nhà ở xã hội ở Hà Nam khi hình thành với 4 khối nhà 9 tầng sẽ cung cấp gần 600 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, kỳ vọng phục vụ cho 2 khu công nghiệp với hơn 10.000 công nhân. Tuy nhiên, có thể thấy con số quỹ căn và nhu cầu thực tế còn quá chênh lệch.
Quỹ căn nhà ở xã hội và lượng người mua đủ điều kiện hiện quá chênh lệch không phải là lo ngại duy nhất mà chủ đầu tư hay địa phương lo lắng khi thực hiện dự án.
Vấn đề còn là làm sao để có thêm nhiều tượng đủ điều kiện tiếp cận trong khi lợi nhuận của chủ đầu tư bị khống chế tối đa ở mức 10%. Dự án chỉ chậm tiến độ 1 năm, chủ đầu tư đã không còn lợi nhuận.
"Cung thì chúng ta có quỹ đất, có vốn, nhưng về cầu thì chúng ta phải có các điều kiện để mở rộng đối tượng để có thể tiếp cận được", ông Phạm Văn Ân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị, cho biết.
"Chúng ta cần mở rộng các đối tượng, không chỉ người trong khu công nghiệp mà cả ở các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, kể cả làm việc trong các lĩnh vực khác nhưng thu nhập thấp đều có thể tiếp cận với nhà ở xã hội", ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, nhận định.
Theo quy định, chỉ có 8 đối tượng đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy, không chỉ ở Hà Nam, mà nhiều địa phương khác cũng đang mỏi mắt để tìm được đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện mua nhà ở xã hội.
Quy định "người thu nhập thấp" được quy định từ cách đây 8 năm, trong khi đó giá nhà ở xã hội đã tăng gần gấp đôi chỉ sau 5 năm. Đó là chưa kể thu nhập 11 triệu đồng/tháng hiện khó thể vừa đủ sinh hoạt, vừa trả nợ ngân hàng và là cơ sở để chứng minh tài chính nếu có nhu cầu vay vốn mua nhà.
Tìm giải pháp gỡ khó cho nhà ở xã hội VTV.vn - Một trong những giải pháp quan trọng nhằm gỡ khó thị trường bất động sản là tăng cung nhà ở xã hội, đưa nhà ở xã hội đến với đúng người, đúng đối tượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!