Mỗi năm có 4,3 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ

Hồng Quang (PV THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 26/02/2018 11:01 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Quần áo ngày càng rẻ nhờ nhân công giá rẻ và sản xuất đại trà. Người tiêu dùng không còn phải quá cân nhắc khi mua quần áo, mua nhanh mà vứt bỏ cũng nhanh.

Ai cũng biết việc ngành này phát triển liên tục trong 30 năm trở lại đây đã tạo ra không biết bao nhiêu công ăn việc làm cho những quốc gia nhận may gia công quần áo. Người tiêu dùng có thêm vô vàn sự lựa chọn. Tuy nhiên, mô hình sản xuất và kinh doanh quần áo trên thị trường thế giới nay có lẽ cũng đã lỗi thời. Có quá nhiều yếu tố đang buộc ngành dệt may phải chuyển đổi để phù hợp với các tiêu chuẩn mới về môi trường cũng như đáp ứng xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm.

Mô hình sản xuất và kinh doanh đó đang bị lên án ở châu Âu. Tờ Le Soir của Bỉ viết: "Mỗi năm, riêng ở châu Âu có tới 4,3 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ", phần lớn là quần áo vẫn còn tốt.

Theo bài báo, "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên quần áo quá rẻ và quá nhanh lỗi mốt", người tiêu dùng mua quần áo nhiều hơn rất nhiều so với nhu cầu, thế rồi sớm vứt đi mà không thấy tiếc. Thế mà quần áo lại là loại rác không thể tái chế".

Tờ báo Bỉ viết: "Quần áo thường có nhiều thành phần, sợi bông lẫn sợi tổng hợp, không có công nghệ nào đủ sức tách được các thành phần này ra" để tái sử dụng. Rác quần áo chỉ có cách là nén trong nhiệt độ cao để tạo ra nguyên liệu thấp cấp dùng để sản xuất tấm lót coffre xe ô tô chẳng hạn, thế nhưng, cách thông thường vẫn là đốt bỏ.

Giống như mọi loại sản phẩm khác, sản xuất quần áo cũng tiêu tốn tài nguyên và tạo ra ô nhiễm. Tờ The Guardian ra tại Anh trích một nghiên cứu đưa ra những con số bất ngờ. Công nghiệp dệt may sử dụng khoảng 93 tỷ m3 nước mỗi năm, thải ra một lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngang bằng lượng khí thải của tất cả các chuyến bay quốc tế và toàn bộ ngành vận tải biển cộng lại.

Bài báo cũng nhắc lại rằng tỷ lệ tái sử dụng chất liệu từ quần áo cũ chưa tới nổi 1%, trong khi từ một chiếc xe hơi cũ, người ta đã có thể tận dụng được tới 96% chất liệu, đủ thấy mức độ ô nhiễm của rác quần áo tới mức độ nào.

Vì thế, ở châu Âu giờ đây bắt đầu có những lời kêu gọi thay đổi thói quen tiêu dùng. Tờ Ouest-France có bài về một tổ chức phi chính phủ kêu gọi tẩy chay mùa bán hàng giảm giá, bởi vì lúc đó người tiêu dùng mua chỉ để mà mua, chất đầy tủ quần áo, quá nhiều, để rồi lại vứt đi. Một số tổ chức còn kêu gọi người tiêu dùng chỉ chọn những quần áo bền chắc, có kiểu dáng trung tính để có thể mặc được trong nhiều năm, thậm chí là không mua bất cứ quần áo nào mới nữa trong vòng 1 năm liền.

Những lời kêu gọi này chủ yếu là nhằm tới chị em phụ nữ. Nhưng mà chị em phụ nữ có thể nhịn ăn, chứ khó có thể nhịn mua sắm quần áo giày dép. Theo một điều tra mà tờ Daily Express của Anh trích dẫn, gần một nửa số phụ nữ được hỏi cho biết là đang có trong tủ quần áo của mình những đồ mà từ lúc mua cho đến bây giờ chưa một lần nào lấy ra dùng cả.

APEC 2017: Hướng tới giảm thất thoát, lãng phí lương thực APEC 2017: Hướng tới giảm thất thoát, lãng phí lương thực Người Mỹ lãng phí hơn 2 tỷ USD/năm mua xăng chất lượng cao Người Mỹ lãng phí hơn 2 tỷ USD/năm mua xăng chất lượng cao Tại sao phụ nữ có cả tủ quần áo nhưng luôn nói 'không có gì để mặc'? Tại sao phụ nữ có cả tủ quần áo nhưng luôn nói "không có gì để mặc"?

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước