Trong giai đoạn 2020-2021, COVID-19 đã mang lại vô số thách thức đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Đứt gãy chuỗi cung ứng, ngưng trệ sản xuất, khan hiếm nguyên vật liệu... là những yếu tố mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt. Việt Nam có quý đầu tiên tăng trưởng âm và có một năm 2021 tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử, nhưng bước sang năm 2022, mọi thứ đã khởi sắc trở lại.
Năm 2022 đánh dấu thời điểm nền kinh tế Việt Nam mở cửa lại với quốc tế sau thời gian dài giãn cách xã hội và đóng mình để dập dịch Covid-19. Dòng vốn FDI đã quay trở lại, kim ngạch xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ và giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia nổi bật trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Ruchir Sharma, cựu chiến lược gia tại Công ty quản lý Quỹ đầu tư Morgan Stanley, Việt Nam hiện nằm trong "7 kỳ quan kinh tế" gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dễ rơi vào suy thoái.
(Biểu đồ: Dương Hoàng; Nguồn: World Bank).
Còn theo nhận định của HSBC, Việt Nam nhiều khả năng dẫn đầu ASEAN về đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc Việt Nam là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và sở hữu dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện ổn định đã góp phần duy trì việc làm và tăng trưởng thương mại ổn định. Trong đó, các dự án FDI nổi bật trong năm 2022 là dự án khởi công Nhà máy LEGO trung hòa carbon tại Bình Dương của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), dự án Samsung Electro-Mechanics của Hàn Quốc tại Thái Nguyên được tăng vốn...
2022, kinh tế Việt Nam gặt hái những gì?
Nhờ độ mở nền kinh tế lớn, khi thế giới đồng loạt mở cửa trở lại và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về cả chất và lượng.
Về lượng, GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong năm vừa rồi, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp và chế biến vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm hơn 80% tổng xuất khẩu cả nước.
(Biểu đồ: Dương Hoàng; số liệu ADB).
Fitch Ratings nhận định, GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,9% với động lực dẫn dắt là xuất khẩu hàng công nghiệp và chế biến. Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng đề cập câu chuyện nhu cầu hàng hóa dịch vụ từ các quốc gia phát triển sẽ phục hồi và kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng vượt trội hoàn toàn so với các quốc gia cùng khu vực do sở hữu nhân công giá rẻ, hàng loạt các FTA được ký kết và sự dịch chuyển thương mại khỏi Trung Quốc.
Về chất, đó là việc Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm bởi các tổ chức uy tín.
Nhờ đà hồi phục bất chấp các thách thức từ dịch bệnh COVID-19 trong đầu năm 2022, mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong dài hạn đã được nâng bậc bởi cả hai tổ chức tín nhiệm quốc tế là S&P và Moody's.
Moody's cho biết: "Việc nâng cấp lên Ba2 phản ánh sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam so với các nước cùng ngành và khả năng phục hồi tốt hơn trước các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cho thấy hiệu quả chính sách được cải thiện và Moody's kỳ vọng sẽ tiếp tục khi nền kinh tế được hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đa dạng hóa xuất khẩu và tiếp tục đầu tư trong nước vào sản xuất".
Theo đánh giá của Moody's, sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực đã khẳng định vị thế ngày càng mở rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Rủi ro của lạm phát từ nửa cuối năm
Trong năm 2022, việc tăng trưởng cung tiền để phục hồi nền kinh tế cùng với mâu thuẫn địa chính trị khiến giá nhiên liệu ở mức cao đã làm tình trạng lạm phát thẩm thấu vào hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, Việt Nam nhanh chóng rơi vào tình trạng nhập khẩu lạm phát khiến chỉ số CPI tăng một cách gián tiếp.
(Biểu đồ: Dương Hoàng; Nguồn: GSO).
Dù vậy, mức lạm phát của Việt Nam vẫn được đánh giá là tương đối thấp giữa bối cảnh nhiều quốc gia tỏ ra mất kiểm soát với tỷ lệ lạm phát và để chỉ số này tăng đến mức cao nhất mọi thời đại. Đơn cử, Thổ Nhĩ Kỳ có lạm phát quý II/2022 lên gần 79%, Argentina là 71%, quốc gia láng giềng như Lào cũng có tỷ lệ lạm phát ở mức 2 chữ số.
Việt Nam kiểm soát được lạm phát nhờ khả năng tự chủ sản xuất nhiều loại hàng hóa, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu cho thị trường nội địa - thành tố vốn chiếm trọng số lớn nhất trong giỏ hàng hóa của quốc gia, Việt Nam có khả năng chống chịu tốt với các cú sốc cung.
Kinh tế Việt Nam 2023 được dự báo ra sao?
Với những thành tựu đã đạt được trong đầu năm 2022, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các kỳ vọng về khả năng giữ ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.
"Giữa bối cảnh 1/3 nền kinh tế trên thế giới chứng kiến tăng trưởng âm, trong đó có những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... thì việc Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng là một kỳ tích", Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định.
Các cơ sở hình thành nên kỳ vọng trên phải kể đến nỗ lực của Nhà nước trong kiểm soát lạm phát, trong điều hướng dòng tín dụng chảy vào hoạt động sản xuất và thương mại và xu hướng chuyển dịch thương mại khỏi Trung Quốc trở nên ngày càng rõ rệt.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh hơn ở mức 6,7% vào năm 2023 do thị trường lao động phục hồi, thương mại gia tăng, các dịch vụ du lịch hoạt động trở lại và sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đáng nói, đây là kỳ vọng tăng trưởng cao nhất của tổ chức này với một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Mức tăng trưởng mục tiêu này cũng khá sát với mục tiêu tăng trưởng GDP trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Quốc hội đã chốt vào tháng 11/2022 là 6,5%.
Dù thế, không phải không có những thách thức. Theo IMF, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ nhưng chưa đồng đều. Bên cạnh đó, việc sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chưa kể, khi tình hình kinh tế toàn cầu chuyển biến tiêu cực thì các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và các hỗ trợ về tài chính cần được các cơ quan tiếp tục thúc đẩy để duy trì tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành xuất khẩu.
Đứng trước những thách thức ấy, Việt Nam vẫn được đánh giá cao để trở thành ngôi sao sáng giữa bối cảnh suy thoái toàn cầu. Theo ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch chính sách tại Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, các hoạt động thương mại quốc tế như xuất khẩu nông sản, linh kiện điện tử được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI cùng 15 FTA đã được ký kết sẽ giúp Việt Nam nâng cao thị phần xuất khẩu khi nhiều nhà cung ứng trên thế giới gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Sân bay Long Thành (Ảnh: ACV).
Bên cạnh đó, theo ông, người trẻ Việt Nam sở hữu nhiệt huyết khởi nghiệp và thành lập công ty của riêng họ. Tinh thần kinh doanh này sẽ thu hút các nhà đầu tư và nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế, qua đó giúp cộng đồng khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Về khu vực đầu tư công, các thủ tục hành chính, pháp lý và quá trình chọn nhà thầu vẫn tốn nhiều thời gian triển khai. Theo ADB, nhân tố xúc tác cho đầu tư công trong năm 2023 là việc giá nguyên vật liệu xây dựng như thép, nhựa đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022 do nhu cầu xây dựng toàn cầu sụt giảm. Và với nền tảng là hạ tầng giao thông hiện đại như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, sân bay quốc tế Long Thành... Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn ngoại và môi trường kinh doanh nội địa sẽ ngày càng nhộn nhịp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!