"Mua sắm trả đũa" không phải là một thuật ngữ mới, mà đã được dùng để chỉ tất cả mọi hoạt động lao vào mua sắm để khỏa lấp nỗi buồn hoặc thất vọng nào đó, nhưng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, "mua sắm trả đũa" đã mang một ý nghĩa khác, đây là ham muốn mua sắm bù đắp cho thời gian đã mất vì giãn cách xã hội.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam, các hoạt động trải nghiệm như du lịch và tiệc tùng đã bị giới hạn trong năm qua, điều này đồng nghĩa với việc nhiều hộ gia đình khá giả đang có tài khoản tiết kiệm lành mạnh, sẵn sàng chi tiêu một khoản lớn cho tất cả các hoạt động họ đã bỏ lỡ, trong đó có đồ xa xỉ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người vẫn mua sắm trực tuyến nhưng cảm giác shopping trực tiếp xách "túi lớn, túi bé" về nhà vẫn là một trải nghiệm mua sắm rất khó thay thế.
(Ảnh minh họa: globaltimes)
Nhìn từ thị trường quốc tế, tuần trước hãng Tiffany cho biết, Trung Quốc đang trở thành điểm sáng trong mảng kinh doanh trang sức, với doanh số bán lẻ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Hay tại Hàn Quốc, không khó bắt gặp những hàng dài người mua sắm đổ xô đến cửa hàng thời trang Chanel tại Seoul.
Còn với thị trường trong nước, theo đại diện của Savills Hà Nội, do các lệnh hạn chế du lịch, hiện nay khách hàng tại Việt Nam chưa thể đi sang các thị trường đồ xa xỉ khác như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), London, Paris, đây cũng sẽ là cơ hội cho các thương hiệu bán lẻ sở hữu nhiều cửa hàng vật lý tại Việt Nam trong thời gian tới.
Sổ tiết kiệm “bốc hơi” 250 triệu đồng vì vào đường link giả
Mới đây, một môi giới bất động sản đã bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng khi cung cấp thông tin cá nhân cho các đường link, địa chỉ web không rõ nguồn gốc.
Một môi giới bất động sản tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ trên tờ VnExpress cho biết, tối 22/9 có trao đổi giao dịch đặt cọc thuê nhà với một khách hàng qua Facebook. Sau khi chốt căn hộ sẽ thuê, vị khách tự xưng là Việt kiều này xin số tài khoản để chuyển tiền đặt cọc 5 triệu đồng và chụp một biên lai từ Western Union thông báo đã gửi tiền.
Lúc này, điện thoại của nạn nhân nhận được tin nhắn thông báo đã nhận 225 USD và 1 tin nhắn hướng dẫn truy cập vào đường link giả mạo Techcombank để hoàn thành thủ tục, tiền mới về tài khoản.
Sau khi thực hiện yêu cầu, vài giây sau, ứng dụng thông báo chuyển tiền đến tài khoản khác 100 triệu đồng và cứ như thế, chỉ trong khoảng vài phút, nạn nhân bị lấy cắp mất 250 triệu đồng từ các tài khoản tiết kiệm online.
Khoảng trống pháp lý của blockchain bất động sản
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến giao dịch bất động sản trầm lắng, các ứng dụng số hóa hoạt động bất động sản nổi lên như một hiện tượng về hình thức đầu tư mới mẻ, ít vốn thông qua công nghệ.
Báo Đầu tư sáng nay chia sẻ câu chuyện về một doanh nghiệp đang huy động 3,7 tỷ đồng, tương đương 65% giá trị của 3 căn hộ cao cấp tại Thuận An (Bình Dương). Nền tảng của đơn vị này chia nhỏ số vốn kêu gọi đầu tư thành 3.700 phần, tương đương 1 triệu đồng/phần. Nếu gọi vốn thành công sẽ tiến đến áp dụng mô hình này trong 18 tháng, lãi suất 11%/năm, trả lãi theo từng quý và hoàn vốn vào cuối kỳ cho người tham gia.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, việc chia nhỏ tài sản để mời gọi đầu tư tại Việt Nam là mô hình đầu tư có phương thức hoạt động gần tương đồng với Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) trên thế giới áp dụng công nghệ blockchain.
Tuy nhiên, theo các luật sư, Luật Kinh doanh Bất động sản, luật Nhà ở hiện nay đều chỉ bảo vệ người mua bất động sản hoàn chỉnh và đứng tên sở hữu; hay mua cổ phần, cổ phiếu có Luật Chứng khoán bảo vệ. Trong khi đó, đầu tư một phần bất động sản là kiểu "nửa hàng hóa, nửa cổ phần" đang không có quy định hay cơ quan nào bảo vệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!