Theo đó, sản phẩm nào có mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất vượt quá mức quy định của EU thì sẽ bị đánh thuế carbon. Loại thuế này làm tăng thêm chi phí đáng kể đối với một số hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Như vậy, thuế biên giới carbon sẽ khiến giá cả tăng lên, giảm tính cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu. Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để giảm thiểu tác động từ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay còn gọi là thuế carbon. Phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Thomas McClelland - Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam xung qanh nội dung này.
Cảm ơn ông đã nhận lời tham gia phỏng vấn cùng Đài Truyền hình Việt Nam, xin ông cho biết về mức độ ảnh hưởng của thuế biên giới carbon đến Việt Nam?
Ông Thomas McClelland: Thuế carbon ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hoá nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Với trường hợp của thép, EU là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam nên mặt hàng này sẽ chịu ảnh hưởng khá đáng kể.
Với phạm vi hiện tại của thuế carbon, theo báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên 3 quốc gia bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ do Ngân hàng Thế giới World Bank thực hiện tháng 5/2021, loại thuế này sẽ làm tăng khoảng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm đối với 3 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu là thép, xi măng và nhôm.
Ngoài châu Âu, Mỹ cũng dự kiến áp dụng thuế carbon đối với một số sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này từ 2024. Theo đó tác động của thuế carbon đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai gần.
Ông Thomas McClelland - Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý cần làm gì để giảm thiểu những tác động của loại thuế này thưa ông?
Ông Thomas McClelland: Ở góc độ doanh nghiệp, những công ty sản xuất các mặt hàng tôi vừa nêu trên nên nhìn vào việc phát thải carbon trong quá trình sản xuất của họ hiện nay, cố gắng điều chỉnh giảm phát thải theo mức yêu cầu của EU. Nếu không, họ sẽ phải mua chứng chỉ carbon, điều này sẽ làm tăng giá của hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu Việt Nam vẫn muốn giữ lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu cần phải tính đến các phương án sản xuất xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Thay đổi nguồn điện sử dụng trong các nhà máy thành năng lượng tái tạo như điện mặt trời cũng là một ý tưởng.
Còn ở góc độ các nhà điều hành chính sách, Việt Nam có thể cân nhắc việc tự thiết lập hệ thống mua bán tín chỉ carbon của mình. Như vậy, các công ty xuất khẩu thay vì mua chứng chỉ carbon theo mức giá tại thị trường EU có thể chủ động mua ở thị trường Việt Nam. Điều này có nghĩa là khoản thuế sẽ nộp ở Việt Nam thay vì chảy sang EU. Theo tôi biết kế hoạch này đang được Việt Nam thảo luận để đưa ra cùng với luật bảo vệ môi trường vào năm 2028.
Năm nay EU thí điểm, trong 3 năm tới là thời gian chuyển tiếp để các doanh nghiệp có thể tính toán và điều chỉnh giảm phát thải dần, nhưng đến đến 1/1/2026 là doanh nghiệp bắt buộc phải mua tín chỉ carbon như hình thức nộp thuế. Vậy nên Việt Nam nên thúc đẩy nhanh hơn việc thành lập hệ thống mua bán tín chỉ carbon của mình.
Xin cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!