Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu: Cải cách mang tính đột phá

Theo VOV-Thứ năm, ngày 04/11/2021 21:11 GMT+7

VTV.vn - Mức thuế tối thiểu toàn cầu mới được cho là sẽ đảo ngược cuộc đua giảm thuế suất kéo dài hàng thập kỷ, tạo ra một sân chơi bình đẳng trên toàn cầu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rome (Italy), các nhà lãnh đạo đã chính thức thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu mới mang tính đột phá, khép lại nhiều tháng đàm phán và hứa hẹn cho một chính sách thuế công bằng hơn.

Cải cách "đầy hứa hẹn"

Tiến trình cải cách thuế toàn cầu theo đề xuất của Mỹ đã có bước tiến lớn khi ngày 1/7, có tới 130/139 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đồng ý về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao.

Trước đó, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đạt một thỏa thuận thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Một là, cho phép các quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận mà các công ty lớn tạo ra dựa trên doanh thu họ từ quốc gia đó, thay vì nơi mà họ đặt trụ sở. Hai là, mức thuế tối thiểu là 15%, đối với các công ty có doanh thu hàng năm từ 750 triệu euro (868 triệu USD) trở lên.

Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu: Cải cách mang tính đột phá - Ảnh 1.

Vào tháng 10 vừa qua, các bên tham gia thỏa thuận "Tuyên bố về giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ số hóa nền kinh tế", do OECD làm trung gian đàm phán, đồng ý áp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%. Có 136/140 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đồng ý. Các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm G20 cũng đã nhất trí tán thành thỏa thuận toàn cầu nhằm cải thiện hệ thống thuế doanh nghiệp.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra tại Rome (Italy), các nhà lãnh đạo đã chính thức thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu mới, khép lại nhiều tháng đàm phán về hiệp định thuế mang tính đột phá. Các cuộc đàm phán kỹ thuật sẽ tiếp tục tại OECD để giải quyết các chi tiết còn vướng mắc. Mỗi quốc gia sẽ ban hành thỏa thuận cuối cùng trong năm tới và những thay đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2023.

Mức thuế tối thiểu toàn cầu mới được cho là sẽ đảo ngược cuộc đua giảm thuế suất kéo dài hàng thập kỷ, tạo ra một sân chơi bình đẳng trên toàn cầu, nơi các công ty và quốc gia có thể cạnh tranh dựa trên ý tưởng đổi mới, các nguyên tắc cơ bản, chất lượng của lực lượng lao động và môi trường kinh doanh của họ.

Trong vòng 20 năm, đã có 76 quốc gia giảm thuế, 12 quốc gia giữ nguyên và chỉ có 6 quốc gia tăng thuế. Do đó, thỏa thuận về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu cho phép "thay đổi tương quan lực lượng" giữa các quốc gia và các "thiên đường thuế", các quốc gia không còn cơ hội đẩy thuế suất "về đáy" để cạnh tranh.

Có một thực tế là tỷ lệ đóng góp của thuế doanh nghiệp vào tổng nguồn thu thuế đã giảm ở nhiều quốc gia. Tỷ trọng thuế thu nhập/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Mỹ giảm xuống dưới ngưỡng 1% vào năm 2019 (mức 2% trước đó kể từ năm 1990); giảm xuống dưới 3% ở Anh và Italy. Tại Nhật Bản, con số này vẫn ở mức 4%, nhưng cũng đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm kể từ năm 1990.

Nhiều năm qua, các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Facebook... thường lách thuế bằng cách đặt trụ sở tại những quốc gia có thuế doanh nghiệp thấp. Chẳng hạn, Alphabet, Apple, Facebook chỉ gánh chịu thuế trung bình là 15,4% từ năm 2018 đến 2020. Tỷ lệ này thấp hơn gần 10 điểm phần trăm so với mức trung bình toàn cầu là 25,1%.

Mức thuế mới sẽ tạo ra công cụ chống xói mòn và tăng thêm nguồn thu thuế cho các quốc gia. Theo OECD, mức thuế tối thiểu mới dự kiến ​​sẽ tăng thêm khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu mỗi năm.

Vẫn còn phải hoàn thiện

Theo các chuyên gia thuế, mức thuế 15% chưa thể ngăn được hiện tượng lạm dụng các biện pháp "tối ưu hóa thuế" bởi đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng chỉ khoảng 100 tập đoàn lớn - con số này quá ít so với số lượng các công ty đang lạm dụng các biện pháp tối ưu hóa thuế. Hàng loạt lĩnh vực như khai khoáng hay các tập đoàn tài chính cũng không phải là đối tượng của cải cách này.

Một số người cho rằng, kế hoạch cải cách thuế mang lại lợi ích cho các nước giàu nhiều hơn các nền kinh tế đang phát triển. Theo ước tính của OECD, cải cách thuế có thể chỉ giúp những nước nghèo thu thêm được 1% thuế. Dù những cải cách thuế sẽ giảm tình trạng chuyển lợi nhuận đi nơi khác, giúp các chính phủ thu được nhiều thuế hơn nhưng sự hạn chế về tiền mặt và nhân lực, khiến các nước nghèo không dễ để tham gia thảo luận chi tiết về mức thuế chung và cách thức thi hành.

Hiệp định thuế mới vấp phải những chỉ trích từ những người bảo thủ cho rằng nó sẽ kìm hãm sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế, cũng như những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng thỏa thuận không đủ để tăng doanh thu mới từ các tập đoàn đa quốc gia lớn và có thể gây tổn hại cho các quốc gia nghèo.

Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu: Cải cách mang tính đột phá - Ảnh 2.

Kế hoạch đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu cũng vấp phải sự phản đối từ các quốc gia đánh thuế thấp như Ireland, Luxembourg, Ba Lan và Hungary. Thuế suất doanh nghiệp tại các quốc gia trong EU hiện dao động từ 9% ở Hungary, 12,5% ở Ireland cho tới 31,5% tại Bồ Đào Nha và 32% ở Pháp.

Dù các quốc gia đã thống nhất về việc áp thuế tối thiểu nhưng áp dụng thuế suất bao nhiêu lại là một vấn đề khác. Chẳng hạn, đối với Liên minh châu Âu (EU) thì đây là một trở ngại đáng kể do khối này cần sự đồng thuận từ toàn bộ 27 thành viên để thông qua kế hoạch này.

Các chuyên gia thuế cảnh báo, sự triển khai phối hợp giữa các quốc gia sẽ không đơn giản vì mỗi nước có chu trình phê duyệt và triển khai riêng rẽ. Ví dụ, ở Mỹ, Tổng thống phải tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội đối với ít nhất một số phần của thỏa thuận và đảng Cộng hòa có khả năng phản đối. Trong khi đó, một số quốc gia lại không muốn vội vàng thay đổi quy định thuế.

Việt Nam là một nước có thị trường nội địa tương đối lớn, sáng kiến cải cách thuế này sẽ cho phép Việt Nam được quyền đánh thuế ở một chừng mực nào đó, đối với các công ty công nghệ và thương mại điện tử có doanh thu lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể làm giảm khả năng thu hút các công ty nước ngoài của Việt Nam bằng các chính sách ưu đãi thuế.

Thực tế, mức thuế suất của Việt Nam là 20%, nhưng có nhiều đối tượng/loại dự án được ưu đãi như miễn thuế 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm cho các công ty công nghệ cao đủ điều kiện. Do đó, những lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế mà các công ty này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa.

Cơ chế chia sẻ thuế cho các quốc gia thị trường cũng sẽ đòi hỏi một hệ thống quản lý thuế có năng lực và các nỗ lực phối hợp ở tầm quốc tế. Đây cũng là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển với năng lực quản lý thuế thường còn yếu kém.

Như vậy, để cải cách thuế toàn cầu đi vào hiệu lực thì còn phải tiếp tục trải qua nhiều thời gian phê duyệt và triển khai. Dù sao, đây vẫn là kế hoạch đầy hứa hẹn cho một chính sách đánh thuế công bằng hơn, để buộc chính quyền các nước kiểm soát thuế một cách chặt chẽ hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước